Tôm Việt - Đang mất dần lợi thế

06/05/2021 | 408 |
0 Đánh giá

Theo các chuyên gia thuộc Liên minh tôm sạch Việt Nam (VSSA), thời gian qua, dù ngành tôm Việt Nam đã phát triển vượt bậc nhưng tôm Việt vẫn chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội.

 

Tôm Việt - Đang mất dần lợi thế
Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu

TS Nguyễn Văn Giáp - thành viên nhóm tư vấn xây dựng chiến lược VSSA - phân tích, ngành tôm Việt Nam tạo ra 3,7 tỉ USD giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điều mấu chốt là khả năng truy xuất nguồn gốc vẫn hạn chế, do đó có nhiều rủi ro khi xuất khẩu.

Tôm Việt Nam có số lần bị từ chối nhập khẩu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, ảnh hưởng xấu đến uy tín. Từ đó, nguy cơ tôm Việt bị các đối thủ cạnh tranh lấn chiếm thị phần luôn rất cao. Điển hình, năm 2018, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính giảm, kéo theo giá trị xuất khẩu cả năm giảm khoảng 8% và năm 2019 giảm tiếp 5%...

Tôm Việt - Đang mất dần lợi thế
Chế biến tôm xuất khẩu

Ngày nay, mạng xã hội lan truyền thông tin nhanh, người tiêu dùng có yêu cầu khắt khe hơn, quy định nhập khẩu của các nước cũng chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, xu thế chung hiện nay là tất cả các chuỗi siêu thị, bán lẻ lớn, cửa hàng tiện lợi trên thế giới đều cam kết tăng tỷ trọng thực phẩm an toàn.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - Phó chủ tịch VSSA Lê Văn Quang - cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần đánh giá đúng lợi thế và thách thức. Sở dĩ ngành tôm tồn tại đến ngày nay là do công nghệ chế biến của Việt Nam thuộc diện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh đang cải thiện công nghệ, gần bắt kịp tôm Việt, nên lợi thế đã và đang mất đi. Nếu mất lợi thế về giá trị chế biến thủy sản cao cấp thì tôm Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, khu vực sản xuất tôm mang tính nhỏ lẻ nên việc truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Cạnh tranh trong ngành tôm đang diễn ra khốc liệt. Do đó, nếu không tổ chức lại sản xuất thì khoảng 5 năm nữa, tôm Việt xuất khẩu sẽ rất khó khăn bởi mất khả năng cạnh tranh.

 
Tôm Việt - Đang mất dần lợi thế
Mô hình nuôi tôm lót bạt trên cát tại Quảng Nam

Đáng chú ý, 90% tôm Việt Nam là hàng sạch nhưng cả đất nước phải chịu kiểm tra kháng sinh. Chi phí kiểm tra kháng sinh đã làm tăng hơn 10.000 đồng/kg tôm nguyên liệu. Nếu loại bỏ khoản chi phí này, Việt Nam có thể tiết kiệm từ 7.000-10.000 tỉ đồng/năm. Vậy tại sao không dùng số tiền đó để đầu tư, đưa tôm Việt Nam sạch 100% - ông Quang nêu vấn đề.

Để khắc phục hạn chế đó, VSSA đề ra 4 mục tiêu chiến lược, gồm: Tập trung nâng cấp vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn quốc tế; áp dụng công nghệ mới vào khâu nuôi, chế biến và cung ứng; mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khung chiến lược này vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh, trong đó, phải bám sát thực tiễn nhằm có những giải pháp phù hợp để giúp ngành tôm Việt Nam phát triển nhanh, ổn định trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu nông, thủy sản của Cà Mau trong quý I/2021 vẫn tăng mạnh, đạt trên 180 triệu USD, tăng 13,45% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thủy sản ước đạt trên 163 triệu USD, tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết trong những tháng đầu năm tương đối thuận lợi nên sản lượng nuôi, khai thác thủy sản đều tăng. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu tăng và liên tục ổn định trong nhiều tháng qua khiến người nuôi phấn khởi. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Dự báo trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau có thể đạt trên 1,1 tỉ USD.

Các chuyên gia nhận định, thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh tôm Việt Nam, trong đó, tôm thẻ chân trắng đông lạnh có mức tiêu thụ tăng nhanh vì giá cả phù hợp và là lựa chọn của nhiều hộ gia đình ở quốc gia tỉ dân này. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng thị trường Trung Quốc vẫn nhập khẩu tới 600 triệu USD tôm của Việt Nam, tăng 10% so với năm 2019.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Trung - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau - lưu ý, hiện nay Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát và truy xuất nguồn gốc 100% các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu. Theo quy định mới, các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu sẽ phải lấy mẫu kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên bao bì, sản phẩm ngay tại cảng; đồng thời phải có đầy đủ 4 loại chứng nhận mới được đưa ra tiêu thụ gồm: Tờ khai hải quan, chứng nhận kiểm nghiệm kiểm dịch xuất khẩu, chứng nhận cách ly và sát trùng, báo cáo đạt yêu cầu về xét nghiệm. Do có nhiều thủ tục phức tạp nên thời gian thông quan kéo dài, bình quân 20-30 ngày hoặc lâu hơn. Chi phí cũng tăng cao, có khi lên đến 2.000-3.000 USD/container. Điều này đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và cả nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Tình hình đó đã khiến tỉnh Cà Mau không thể tổ chức được các đoàn đi xúc tiến thương mại ngoài nước, do đó, doanh nghiệp xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường. Để gỡ khó, thời gian tới, Sở Công Thương Cà Mau sẽ tổ chức các hoạt hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới và giới thiệu sản phẩm...

Hiện nay, Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát và truy xuất nguồn gốc 100% các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu. Do có nhiều thủ tục phức tạp nên thời gian thông quan kéo dài, bình quân 20-30 ngày hoặc lâu hơn. Chi phí cũng tăng cao, có khi lên đến 2.000-3.000 USD/container.

Xuân Anh


Tin tức liên quan

Bình luận