Thắng "game" chống bán phá giá, vợ chồng đại gia thuỷ sản Minh Phú lại gặp khó
Không chỉ cước phí tàu biển, mà giá container, các chi phí đầu vào khác cũng tăng, liệu tham vọng lợi nhuận tăng 62% năm 2021 của Minh Phú có thành hiện thực?
"Vua tôm" Minh Phú
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) là một doanh nghiệp thủy sản nổi tiếng trong nước và trên cả thị trường quốc tế.
Thủy sản Minh Phú được thành lập năm 1992 bởi ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình - vợ ông Quang. Ông Quang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú. Đến tháng 8/2020, vị trí Chủ tịch HĐQT chuyển giao lại cho bà Chu Thị Bình. Khi đó, ông Quang chỉ còn giữ chức Tổng giám đốc. Dù vậy sau chuyển giao, ông Quang vẫn là người đại diện pháp luật của công ty.
Dưới sự dẫn dắt của vợ chồng ông Quang, Thủy sản Minh Phú từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ trở thành doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu.
So với các doanh nghiệp cùng ngành như "vua cá tra" Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh, tập đoàn thuỷ sản Vĩnh Hoàn của nữ tỷ phú Trương Thị Lệ Khanh..., Minh Phú được mệnh danh là "vua tôm" cả về vốn điều lệ lẫn quy mô doanh thu, lợi nhuận hàng năm.
Bà Chu Thị Bình hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Minh Phú với 35 triệu cổ phiếu, tương đương 17,8% cổ phần. Chồng bà - Tổng Giám đốc Lê Văn Quang nắm giữ 32 triệu cổ phiếu công ty, tương ứng tỷ lệ 16,3% cổ phần.
Các con của ông bà chủ Minh Phú đứng tên 11,7 triệu cổ phần MPC. Bên cạnh đó, Công ty Đầu tư Long Phụng do ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình sở hữu 90% cổ phần cũng nắm giữ 8,2 triệu cổ phiếu Minh Phú.
Trên thị trường chứng khoán, hiện bà Chu Thị Bình đang nằm trong top 88 người giàu nhất với khối tài sản ước tính hơn 1.400. Còn ông Lê Văn Quang nắm giữ khối tài sản hơn 1.300 tỷ, đứng ở vị trí 96 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Gặp khó vì giá cước vận chuyển
Hiện tại, Minh Phú có tổng cộng 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc tập đoàn.
Năm 2020, doanh thu của Thủy sản Minh Phú giảm gần 16% chỉ đạt 14.377 tỷ đồng và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, ông Lê Văn Quang có giải thích: Do Minh Phú tập trung cho vụ kiện về gian lận nhập khẩu tôm Ấn Độ bán cho Mỹ nên đã dồn lực để chứng minh, đầu tranh cho vụ kiện, có khi phải dừng sản xuất. Đây là lý do Công ty không đạt kế hoạch.
Lợi nhuận năm 2020 của Minh Phú cũng khá khiêm tốn chỉ đạt 674 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn và thách thức với Thủy sản Minh Phú. Tuy Minh Phú thắng vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá tôm tại Mỹ, tình hình xuất khẩu tốt đẹp hơn nhưng dịch Covid bùng phát mạnh khiến doanh nghiệp của ông Lê Văn Quang tiếp tục đối mặt với khó khăn về chuỗi cung ứng, nguyên nhiên vật liệu tăng rất mạnh.
Ông Quang cũng phải thừa nhận rằng: Những tháng cuối năm chịu rủi ro thiếu container rỗng, đó là yếu tố khiến doanh nghiệp đau đầu nhất. Nguyên nhiên liệu tăng rất mạnh thấp nhất 20-50%, chuỗi cung ứng lao đao và phí vận tải tăng liên tục, tình trạng không có container rỗng nên rất khó đoán định.
Năm 2021, Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 15.774 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 1.092 tỷ đồng, tăng trưởng 62%.
Chia sẻ về kế hoạch này tại ĐHĐCĐ năm 2021 hôm 17/6, ông Quang cho hay: “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch với tình hình cước tàu như thế này. Việc sản xuất thì đạt, nhưng kế hoạch bán hàng và lợi nhuận khả năng sẽ chỉ thực hiện được 80% kế hoạch”.
Về kế hoạch cổ tức, cổ đông thông qua phương án cho năm 2020 là 20% tiền mặt (2.000 đồng/cp), tương đương số tiền chi trả khoảng 400 tỷ đồng. Sang năm 2021, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận, MPC dự kiến tỷ lệ chia cổ tức vào khoảng 50-70%.
Dẫu vậy, kết thúc quý I vừa qua, tình hình kinh doanh của MPC lại khá kém sắc. Trong khi doanh thu thuần gần như đi ngang với 2.809 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn một nửa so với cùng kỳ, còn xấp xỉ 27 tỷ đồng.
Mặc dù doanh nghiệp duy trì lợi nhuận gộp và tiết giảm chi phí lãi vay, tuy nhiên không đủ bù đắp cho sự phình to của chi phí bán hàng - nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận trong kỳ. Theo đó, trong quý I/2021, chi phí bán hàng của MPC ở mức 175 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng, tương đương tăng 35% so với cùng kỳ.
Được biết, đè nặng lên chi phí bán hàng của MPC là do sự gia tăng đột biến của giá cước tàu biển và phí thuê container.
Ông Quang cho hay: Vấn đề xuất hàng không thể hoạch định được do thiếu container, song chúng tôi sẽ tìm mọi cách để xuất khẩu được. Chúng tôi sẽ làm việc thêm với các hãng tàu mới, nhỏ hơn và chấp nhận giá cước tàu cao để bán kịp cho khách hàng.
Ngoài ra, kế hoạch của Minh Phú là chỉ ký hợp đồng từng tháng, với những hợp đồng đấu giá sẽ chủ trương không tham gia, hoặc chỉ đấu giá với những hợp đồng quan trọng.
Như vậy, nhiều khả năng ở quý tiếp theo, chi phí bán hàng của MPC sẽ khó giảm, qua đó tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận năm. Kết thúc quý I, doanh nghiệp mới hoàn thành 2,47% chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến.
Phong Linh
Xem thêm