Đa phần doanh nghiệp đang 'thở ôxy', mong mỏi tiêm vắc xin cho người lao động
Dịch bệnh Covid -19 bùng phát ở TP.HCM và lan ra các tỉnh lân cận và vùng ĐBSCL quá nhanh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) dù đã tính trước phương án ứng phó nhưng vẫn không khỏi lúng túng. Phương án “3 tại chỗ” thực tế không dễ dàng thực hiện, ưu tiên hàng đầu của DN hiện nay là tiêm vắc xin cho người lao động.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết tình hình của các DN hiện nay vô cùng khó khăn, khó khăn nhất chính là việc thực hiện phương án “ 3 tại chỗ ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ).
Theo ông Quốc, một số DN có vị trí, mặt bằng rộng thì có thể lo được, còn lại đa phần đều lâm vào thế khó. “Mỗi nhà máy có hàng ngàn công nhân, việc tập trung ăn ở, nghỉ ngơi là không đơn giản, nhưng nếu không đáp ứng thì phải dừng hoạt động, đây là điều vô cùng khó khăn...” – ông Quốc nói.
Về sản xuất, DN có vùng nuôi, cá đến kỳ thu hoạch nhưng không thực hiện thu gom được vì bị hạn chế đi lại. Người nuôi cá cũng ngậm ngùi khi cá đến lứa không ai đến bắt, đành "ngâm" và bỏ đói…, các khâu đều đình trệ do phải chấp hành việc giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông.
Nói về xuất khẩu (XK), ông Quốc cho biết, DN bán được, số liệu XK có vẻ khả quan vì tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế thì chưa hẳn, vì chi phí container, vận tải biển… tăng 3-5 lần, thức ăn cũng tăng cao khiến giá thành sản xuất bị đội lên.
“DN tồn kho phải bán thôi, chứ chịu đựng từ cuối năm 2019 đến nay, bao nhiêu thứ tăng, nghe số liệu XK mừng vậy thôi chứ hiệu quả thì phải xem lại. Một kg cá tra nguyên liệu hiện nay khoảng 22.000 đồng, mặc dù tăng so với hồi cuối năm ngoái (17-18.000 đồng/kg) nhưng giá thành hiện ít nhất cũng 24.000 đồng/kg” – ông Quốc dẫn chứng.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ
Vắc xin là ưu tiên hàng đầu
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là công nhân phải được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hiệp hội cũng đã kiến nghị đến trung ương. Ngoài nguồn vắc xin Chính phủ phân bổ, hiệp hội cũng kiến nghị cho phép các DN có tiềm lực và khả năng có thể tự mua vắc xin để phục vụ cho nhu cầu cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, với tình hình sản xuất kinh doanh đình đốn, các DN cần được hỗ trợ về tín dụng (tăng hạn mức, kéo dài thời gian), miễn giảm về thuế, phí… để “hà hơi tiếp sức” DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bởi theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đa phần DN hiện nay đang “thở oxy”…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN thủy sản ở ĐBSCL đã cố gắng thuyết phục công nhân, người lao động, phụ cấp thêm để duy trì ổn định sản xuất. Nhiều DN không bố trí đủ nhà ở của công ty, đành chấp nhận thuê thêm bên ngoài… Tuy nhiên, theo một số DN, sau khi thông báo thực hiện “3 tại chỗ” thì có 30%, thậm chí tới 50% công nhân xin nghỉ việc vì con nhỏ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì đã tiếp xúc với bà con, bạn bè từ Bình Dương, Long An, TP.HCM trở về…
Hiện một số DN đã giảm công suất chế biến từ 30-90% do không thể sắp xếp được chỗ ở, nghỉ ngơi cho công nhân và người lao động. Với đặc thù của ngành chế biến thủy sản thì không thể bố trí chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy đông lạnh, thậm chí còn phải tách biệt với khu chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Một số DN với lực lượng lao động lớn thì việc bố trí nơi ăn, ở, nghỉ ngơi, vệ sinh… cùng lúc cho hàng ngàn công nhân tại nơi làm việc là điều vô cùng khó khăn. Những DN không thể bố trí được “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 địa điểm” thì buộc phải tạm đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc, vẫn trả lương...
Với mặt hàng tôm, kể từ quý III, XK tăng tốc vì đơn hàng nhiều và tôm bắt đầu rộ thu hoạch. Nhưng năm nay, đúng vào thời điểm nước rút thì COVID-19 lại bao vây ĐBSCL. Dù nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu vẫn gặp nhiều khó khăn...
Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì nhiều chi phí tăng như tiền điện trên mỗi kg sản phẩm, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistic, cước vận tải biển…
Đại diện một DN cá tra tại ĐBSCL nói rằng: “Điều mong mỏi của lãnh đạo DN giờ này không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là công nhân, người lao động được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. DN đang “cầm hơi” sao cho cả ngàn công nhân không bị thất nghiệp. DN chết sẽ kéo theo cả chuỗi (ngân hàng, nông ngư dân…) cùng chung số phận”
DN kêu cứu Bộ trưởng Nông nghiệp
Ngày 29/7, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (Cty Vạn Đức) có đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Cụ thể, ngày 29/7, Cty Vạn Đức nhận được công văn của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tạm dừng hoạt động đối với các DN trong khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.
Theo DN này, đây thực sự là một cú sốc lớn cho DN chấp hành tốt chủ trương của tỉnh như Cty Vạn Đức. Cty đã chi hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất “3 tại chỗ”. Động thái trên của UBND tỉnh Tiền Giang dẫn đến các thiệt hại khác nghiêm trọng hơn như: gãy chuỗi cũng ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận, cá tăng trưởng nhanh.
Việc sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đạt 50% công suất, đã làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và XK, nếu phải ngưng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, lãi ngân hàng, nợ quá hạn…; lại phải bồi thường cho các hợp đồng siêu thị, nguy cơ mất thị trường và phá sản… DN không sao gánh nổi.
"DN nào làm sai thì xử lý DN đó, làm tốt thì phải cho duy trì, sau này DN mới có niềm tin vào chỉ đạo của nhà nước. Chúng tôi khẩn thiết, kêu cứu đến Bộ trưởng có ý kiến đến UBND tỉnh Tiền Giang xem xét giúp cho công ty được tiếp tục sản xuất. Chúng tôi mong muốn thực hiện theo tinh thần thông báo số 175/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ: quyết tâm thực hiện mục tiêu kép không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, theo tinh thần chỉ đạo vừa sản xuất vừa chiến đấu với dịch bệnh” – Cty Vạn Đức kêu cứu.
Theo Cảnh Kỳ
Tiền phong
Xem thêm