Ông Lê Trần Bá Thông, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX: Xây dựng thương hiệu Việt trong ngành Chế biến thức ăn thủy sản
Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX ở KCN Lộc An, H.Long Thành là doanh nghiệp (DN) có 100% vốn nội địa trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nuôi tôm với công nghệ hiện đại, đạt công suất lớn 230 ngàn tấn/năm. Mục tiêu của DN này không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Ông Lê Trần Bá Thông, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX đã chia sẻ câu chuyện về khát vọng xây dựng được thương hiệu Việt trong ngành Chế biến thức ăn thủy sản với Đồng Nai cuối tuần.
Sẵn sàng bước vào sân chơi lớn
* Ngành Chế biến thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn thủy sản, vốn là sân chơi của các đại gia FDI, ông có thể chia sẻ tại sao DN lại chọn đầu tư vào lĩnh vực áp lực cạnh tranh rất lớn này?
- Có thể nói hiện nay, ngành Sản xuất thức ăn cho con tôm có đến 99% là của các tập đoàn đa quốc gia hoặc DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gần như không có “sân chơi” cho DN Việt Nam.
Nhưng chúng tôi vẫn tự tin đầu tư nhà máy sản xuất với công suất lớn, có công nghệ hiện đại thuộc tốp đầu hiện nay. Đầu tư của DN được chia thành 2 giai đoạn, hiện đã hoàn tất giai đoạn 1 và đang tiếp tục nhập máy móc triển khai cho giai đoạn 2.
Để đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ, không chỉ về nguồn vốn mà còn xây dựng được đội ngũ kỹ sư giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng như hội đủ các điều kiện khác để đưa nhà máy vào hoạt động. Chúng tôi có thể tự tin cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia và DN FDI với quyết tâm đem đến cho người nuôi tôm ở Việt Nam một sản phẩm thương hiệu Việt, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường thức ăn thủy sản.
* Cơ sở nào để DN có thể cạnh tranh được trong thị trường có nhiều ông lớn FDI như hiện nay, thưa ông?
- Chúng tôi luôn lấy chất lượng là tiêu chí để phát triển sản phẩm và đã được khẳng định trong thời gian qua. Chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật giỏi về nuôi trồng và có hệ sinh thái rất đa dạng là con giống, vùng nuôi và các farm nuôi trình diễn. Đặc biệt, chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật nuôi công nghệ cao, qua đó chúng tôi tự tin sẽ thành công và phát triển tốt trong lĩnh vực này
- Là DN nội địa mới đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi xác định để tiếp cận và mở rộng thị trường trong ngành Sản xuất thức ăn thủy sản phải dựa vào chất lượng sản phẩm. Hiện nguyên liệu sản xuất thức ăn tôm của nhà máy sử dụng khoảng 40% nguyên liệu trong nước. Chúng tôi cũng có nhiều giải pháp để tăng sử dụng nguyên liệu nội địa, tại chỗ để có lợi thế cạnh tranh hơn.* Điều nông dân quan tâm là hiệu quả kinh tế, DN làm thế nào để thuyết phục nông dân ủng hộ sản phẩm mới của mình thay vì chọn những sản phẩm họ đã quen sử dụng lâu nay?
Ngoài ra, hiện tại một số tỉnh, thành, DN đã có các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi có hệ thống chuyên gia và các farm nuôi trình diễn cho nông dân đến tham quan; có đào tạo, phổ cập kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao cho nông dân. Hiện thức ăn chiếm khoảng 40% trong tổng giá thành con tôm, nếu làm chủ được về nguồn nguyên liệu; làm chủ được công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi; xây dựng được chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi… thì chắc chắn chúng tôi sẽ giảm được giá thành con tôm thương phẩm.
* Ông có thể đánh giá thêm về cơ hội đầu tư vào ngành Chế biến thức ăn nuôi tôm cũng như ngành nuôi trồng này?
- Ngành Nông nghiệp có nhiều rủi ro khi đầu tư nhưng chúng tôi chọn đầu tư vào lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu mạnh của Việt Nam, thuộc tốp đầu thế giới. Tiềm năng xuất khẩu con tôm Việt Nam còn rất lớn và chúng tôi có những thế mạnh như đã trình bày ở trên… Đây là những nền tảng giúp chúng tôi tin rằng DN sẽ thành công và phát triển trong tương lai.
Đồng Nai có nhiều lợi thế
* Ông có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch đầu tư của DN tại Đồng Nai?
- Tại Đồng Nai, ngoài đầu tư nhà máy chế biến thức ăn cho tôm, DN dự định sẽ đầu tư các farm nuôi tôm trình diễn làm mô hình điểm theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn đến hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm.
Đồng Nai còn có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là về con tôm, tập trung ở H.Long Thành, H.Nhơn Trạch là những vùng nuôi rất tốt. DN đang tìm quỹ đất với diện tích ban đầu khoảng 20ha để phát triển những trang trại nuôi tôm trình diễn và trang trại nuôi thực tế với công nghệ hiện đại. DN cũng đang tập trung phát triển các đại lý thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh.
* Đồng Nai có những lợi thế nào thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung, thức ăn cho con tôm nói riêng?
- Lợi thế của Đồng Nai là vị trí địa lý rất tốt, rất thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu từ TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận. Quỹ đất đai của tỉnh còn nhiều. Về phía chính quyền tỉnh có chính sách hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư, nhất là ưu tiên cho lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có thủy sản.
Ngoài ra, Đồng Nai có ngành chế biến thức ăn chăn nuôi rất phát triển. Trong đó, có lý do là nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại địa phương và các tỉnh lân cận rất dồi dào. Tỉnh cũng thu hút nhiều DN lớn trong lĩnh vực nhập khẩu và sản xuất nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Đây là những yếu tố, lợi thế mà DN chọn đầu tư tại Đồng Nai.
* Để phát triển bền vững, DN cần cơ chế như thế nào từ phía Chính phủ?
- Trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản cũng như ở cấp tỉnh đều có sự hỗ trợ rất tốt cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, nhà máy sản xuất của chúng tôi ở H.Long Thành bắt đầu xây dựng vào cuối tháng 5-2020, nhờ thủ tục nhanh gọn nên đến cuối năm 2020, DN đã đi vào hoạt động ổn định. DN mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về thủ tục hành chính và những giấy tờ liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
* Xin cảm ơn ông!
Đầu năm 2021, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi đến thăm nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GROWMAX, đã bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên một DN 100% vốn Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại, quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường vốn do các tập đoàn, DN FDI chiếm lĩnh. Bộ trưởng đánh giá cao việc DN đã xây dựng được mô hình khép kín bao gồm: sản xuất thức ăn - con giống - các sản phẩm bổ sung và xử lý môi trường - các farm nuôi trình diễn tại các địa phương - hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ nuôi cho nông dân… |
Bình Nguyên (thực hiện)
Xem thêm