Ngành thủy sản Trung Quốc như đang ngồi trên đống lửa
Ngành thủy sản Trung Quốc đang thúc giục Bắc Kinh giảm bớt các hạn chế liên quan đến kiểm soát đại dịch COVID-19 và khôi phục hoạt động của các cảng biển, vì nhiều doanh nghiệp chế biến tại các thành phố cảng Đại Liên và Thanh Đảo đang đứng trước nguy cơ phải phá sản.
Undercurrent News đã xem qua một dự thảo nội bộ do Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA) biên soạn, nội dung trình bày chi tiết những khó khăn mà ngành này phải đối mặt do các lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Bản dự thảo cuối cùng đã được đệ trình trực tiếp lên chính phủ Trung Quốc. Dự thảo mà Undercurrent News nhìn thấy là bản nháp, nhưng nguồn tin thân cận cho biết nó gần với phiên bản cuối cùng.
Hàng trăm nghìn tấn thủy sản bị kẹt tại cảng
Tháng trước, một hiệp hội địa phương tại thành phố cảng Đại Liên đã công bố báo cáo mới, cảnh báo về tình trạng phá sản và sa thải nhân viên hàng loạt nếu các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19 tiếp tục được áp dụng. Bản dự thảo nháp của CAPPMA có đề cập đến vấn đề mà hiệp hội thủy sản tại Đại Liên cảnh báo.
Trong bản dự thảo, ngành thủy sản Trung Quốc cho biết các doanh nghiệp đang trải qua "những thách thức chưa từng có" khi chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với thủy sản nhập khẩu.
Ngành thủy sản tại đất nước tỷ dân ước tính, hơn 100.000 tấn nguyên liệu thô như cá minh thái đã bỏ đầu và rút ruột (H&G), cá tuyết và cá tuyết chấm đen, tổng cộng trị giá khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 310 triệu USD), hiện đang bị mắc kẹt ở Dayaowan - một trong các cảng biển ở Đại Liên.
Ngoài ra, khoảng 250.000 tấn nguyên liệu thô, trong đó hơn 80% dự kiến sẽ được chuyển đến các cơ sở chế biến thủy sản, đang bị kẹt tại một cảng khác ở Đại Liên. 250.000 tấn thủy sản thô này trị giá khoảng 5 tỷ nhân dân tệ.
Các công ty chế biến thủy sản ở thành phố cảng Thanh Đảo và Nhật Chiếu ở tỉnh Sơn Đông cũng như thành phố Hồn Xuân tại tỉnh Cát Lâm cũng báo cáo vấn đề tương tự.
Đầu tháng 3, Tập đoàn Cảng Liêu Ninh cho biết cảng Dayaowan đã khôi phục hoàn toàn hoạt động dỡ hàng khỏi container sau khi 1.800 container mắc kẹt tại cảng này được chuyển vào kho lạnh.
CAPPMA ước tính Nga - nhà sản xuất cá thái minh lớn nhất thế giới, vận chuyển hơn 60% sản lượng cá thái minh sang Trung Quốc để chế biến thành phi lê và các sản phẩm khác. Trung Quốc chịu trách nhiệm chế biến khoảng một nửa lượng cá thái minh thành phẩm được tiêu thụ trên toàn thế giới, trong đó 80% được xử lý ở Đại Liên và Thanh Đảo.
Chi phí vận hành tăng vọt
Doanh nghiệp ngành thủy sản ước tính do các lệnh hạn chế liên quan đến đại dịch, chi phí lưu kho, khử trùng và vận chuyển đã tăng 20.000 nhân dân tệ/container. Cuộc khủng hoảng nguồn cung thủy sản nhập khẩu và sản xuất đình trệ đẩy nhiều công ty Trung Quốc vào "bờ vực phá sản".
Theo dự thảo của CAPPMA, ngành thủy sản Trung Quốc cho biết việc tăng cường kiểm tra và khử trùng axit nucleic trên sản phẩm thủy sản nhập khẩu đã kéo dài đáng kể thời gian thông quan, khiến hàng nghìn container bị kẹt lại ở các cảng. Các công ty chế biến đang lo ngại rằng nhiều sản phẩm thủy sản đông lạnh có thể hết hạn sử dụng và cần phải tiêu hủy.
Ngay cả khi các sản phẩm chính thức vượt qua vòng kiểm tra tại cảng biển, giấy phép này chỉ cho phép vận chuyển nội bộ ở Trung Quốc chứ không cho bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải tiếp tục tiến hành xét nghiệm và khử trùng theo yêu cầu của từng địa phương, chi phí theo đó càng chồng chất.
Các tàu biển cũng không thể bốc dỡ hàng để doanh nghiệp vận chuyển đến cơ sở chế biến. Từ tháng 9 năm ngoái, Thanh Đảo đã cấm các tàu biển của Nga dỡ hàng. Đến tháng 12 cùng năm, Đại Liên cũng ra thông báo tương tự.
Hơn nữa, các nhà vận hành kho lạnh ở Thanh Đảo cũng không được phép đưa thủy sản nhập khẩu ra thị trường kể từ Tết Nguyên đán, sau khi giới chức địa phương lần nữa phát hiện virus SARS-CoV-2 trên các sản phẩm cá của Nga.
Theo dự thảo của CAPPMA, các công ty đánh bắt cá của Nga đang tránh vận chuyển cá thái minh H&G sang Trung Quốc vì các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Do đó, các kho đông lạnh tại Nga đang gồng mình trữ lượng cá chưa qua chế biến và hoạt động đánh bắt cá thái minh ở Nga có thể phải tạm dừng. Điều này có thể khiến sản lượng cá thái minh toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, ngành thủy sản Trung Quốc cảnh báo.
Các công ty chế biến thủy sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lo ngại nguy cơ vỡ nợ nếu họ không thể hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh hoạt động sản xuất bị đình trệ. Thiệt hại về kinh tế và danh tiếng cho ngành này có thể rất lớn.
"Dễ hiểu nếu Nga tìm cách nâng cao công suất chế biến thủy sản trong nước để xử lý vấn đề mà họ gặp phải ở Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng đang nỗ lực để giành lấy một phần của miếng bánh", dự thảo của CAPPMA nhấn mạnh.
Nếu tình trạng đình trệ tại các cảng biển Trung Quốc tiếp tục, 400.000 việc làm có thể bị xóa sổ và ảnh hưởng của vụ việc có thể lan sang các lĩnh vực khác như vận tải, lưu trữ, máy móc, dịch vụ thực phẩm và tài chính. Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ nhân dân tệ.
Đề xuất giải pháp
CAPPMA khuyến nghị chính phủ nên thực hiện các biện pháp kiểm soát COVID-19 theo một "hệ thống cấp độ" dựa trên nguồn gốc nguyên liệu thô và địa điểm bán sản phẩm.
Ngoài ra, CAPPMA còn thúc giục Bắc Kinh nối lại hoạt động bốc dỡ hàng ở Đại Liên và Thanh Đảo bằng cách phát triển hệ thống xét nghiệm và dỡ hàng tự động. Qua đó, các sản phẩm thủy sản đông lạnh có thể được khử trùng hoàn toàn trước khi được chế biến tại nhà máy.
Ngành thủy sản Trung Quốc cũng đề nghị phát triển một hệ thống theo dõi trên toàn quốc để chuẩn hóa quy trình xét nghiệm và khử trùng, tránh lặp lại các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khi sản phẩm đi qua nhiều tỉnh thành khác nhau.
Cuối cùng, CAPPMA kêu gọi chính quyền các địa phương nên trợ cấp và hỗ trợ khoản vay để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Ngành thủy sản cũng khuyến nghị chính phủ nên cung cấp thêm thông tin khoa học về virus SARS-CoV-2 nhằm giúp khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Theo vietnambiz
Xem thêm