Nga bị loại khỏi SWIFT tác động đến thủy sản Việt Nam như thế nào?
Chiến tranh Nga - Ukraina sẽ ít nhiều tác động tới ngành thủy sản Việt Nam, nhất là việc tăng giá thành sản xuất khi giá xăng dầu bị đẩy lên cao.
Hiện nay, Nga vẫn chưa phải là thị trường quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 164 triệu USD, chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tháng 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Nga là 17 triệu USD, còn xuất khẩu thủy sản đi tất cả các thị trường là 842 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản sang Ukraina còn khiêm tốn hơn nữa. Năm 2021, giá trị thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang nước này là 29 triệu USD. Tháng 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Ukraina đạt 3,7 triệu USD.
Với những số liệu như trên, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraina và nhất là việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung, nhưng cũng sẽ tác động tới tâm lý bởi Nga đang là một trong những thị trường có sự phục hồi và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Thông tin từ VASEP cho thấy 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Nga tăng tới 27% so với cùng kỳ 2020 khi đạt gần 150 triệu USD. Trong đó, có những mặt hàng tăng rất mạnh như cá tra tăng tới 83%, mực và bạch tuộc tăng 63% ...
Nga chưa phải là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, nhưng lại là một trong những thị trường đang phục hồi trở lại và tăng trưởng mạnh, nên nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Vì vậy, việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý của các doanh nghiệp thủy sản đang muốn phát triển thị trường này.
Bên cạnh đó, là những tác động nhỏ hơn như có những doanh nghiệp đã giao hàng cho Nga nhưng chưa nhận được tiền thì đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Việc xuất khẩu sang Nga bị ngưng trệ cũng khiến cho một số doanh nghiệp đã chế biến thủy sản theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu Nga, giờ đây không biết sẽ bán được chỗ hàng đó đi thị trường nào …
Do nhu cầu thực phẩm của người dân Nga, về lâu dài, nhiều doanh nghiệp Nga có thể sẽ tiếp tục tìm cách nhập khẩu thủy sản, nhưng việc đồng rup bị mất giá sẽ tác động tiêu cực tới khả năng nhập khẩu của thị trường này.
Mặt khác, xuất khẩu thủy sản sang một số thị trường khác có thể cũng bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó. Nguyên nhân là do, có những công ty ở một nước khác lâu nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến rồi xuất khẩu sang Nga. Do Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, các công ty này đương nhiên sẽ phải ngừng việc bán hàng sang Nga, nên cũng ngừng mua thủy sản Việt Nam cho những lô hàng này.
Nhưng nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh tấn công vào Ukraina là giá xăng dầu trên thế giới cũng như ờ Việt Nam bị đẩy lên rất cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Vì vậy, trước những diễn biến của cuộc chiến tranh Nga – Ukraina và các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga, VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đang theo dõi sát tình hình, tìm giải pháp giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu của các doanh nghiệp đang bán hàng sang Nga.
Theo VASEP, các tổ chức thương mại và công nghiệp thủy sản châu Âu đang cân nhắc tác động tiềm tàng của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Ông Guus Pastoor, Chủ tịch Liên đoàn Thương nhân và Chế biến cá Hà Lan, cho rằng, một gói trừng phạt sâu rộng của phương Tây sẽ "gây thêm áp lực lên thị trường thủy sản toàn cầu". Pastoor cho biết mỗi năm, cá tuyết và cá minh thái mà EU nhập khẩu từ Nga chiếm 17% và 19% nguồn cung cấp các loài cá này của EU, vốn là trụ cột của chuỗi cung ứng thủy sản châu Âu.
Xem thêm