Loạt doanh nghiệp thủy sản đầu ngành đang làm ăn ra sao?

27/04/2023 | 446 |
0 Đánh giá

Trải qua 3 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp thủy sản lớn đã báo cáo kết quả kinh doanh nhưng ghi nhận sự trái chiều ở 2 lĩnh vực chính.

-5956-1682483745.jpg

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra ghi nhận trái chiều. 

Ở mảng cá tra, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) và Vĩnh Hoàn (VHC) đều báo lãi sụt giảm mạnh trong quý I/2023.

Theo BCTC hợp nhất quý I của CTCP Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt – Mã: ANV), doanh thu đạt 1.155 tỷ đồng giảm 5% so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán giảm. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Thuỷ sản Nam Việt giảm 56% xuống 92 tỷ đồng.

Không chỉ Thuỷ sản Nam Việt, mới đây, "nữ hoàng cá tra " Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cũng công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 2.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 226 tỷ đồng lần lượt giảm 31%, 59% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), quý I, xuất khẩu cá tra đã giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 447 triệu USD. Cá tra cũng chính là mặt hàng chủ lực của Thuỷ sản Nam Việt, Vĩnh Hoàn.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, từng nhận định tình hình khó khăn của xuất khẩu thuỷ sản có thể kéo dài ít nhất đền mùa hè năm nay.

Trong đó, cá tra của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh lớn đến từ các sản phẩm cá tuyết và cá minh thái khi giá các sản phẩm này đã giảm sâu xuống mức thấp nhất lịch sử. Đặc biệt, điều này đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Nhận định xu hướng thị trường của một số sản phẩm thủy sản chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý 2 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Riêng Vĩnh Hoàn, tại báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp này trong năm 2023 chưa thực sự sáng khi nhu cầu từ châu Âu - Mỹ suy yếu. Dự báo, giá cá sẽ hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm và bắt đầu hồi phục từ khoảng quý III/2023.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết nóng lên cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi cá tra. Chưa kể, nắng nóng cũng sẽ làm sụt giảm năng suất gieo trồng các loại cây ngũ cốc khiến giá nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao.

Ngược lại, ở mảng tôm, doanh nghiệp lại báo lãi tích cực. Trong quý 1, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) ghi nhận 1.008 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 24% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm 23% xuống 928 tỷ đồng.

Các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp không biến động nhiều. Song, chi phí bán hàng giảm 66% xuống 24 tỷ đồng nhờ chi phí vận chuyển được tiết giảm tới 60%.

Điều này giúp lợi nhuận sau thuế của Sao Ta tăng 17% so với cùng kỳ lên 49 tỷ đồng, theo đó lãi sau thuế chưa phân phối ở mức 680 tỷ. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 13% kế hoạch lợi nhuận.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên ngày 7/4 vừa qua, Sao Ta tự tin với kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt 5.900 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, tăng 3% và 22% so với mức thực hiện được năm 2022.

Trong một dự báo mới đây, Chứng khoán SSI Research cho rằng, Sao Ta sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.825 và 328 tỷ đồng, tương đương tăng 2,2% và 6,1% so với cùng kỳ.

Mặc dù chưa báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, nhưng “vua tôm” CTCP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú (MPC) cũng đặt kế hoạch tiêu thụ khoảng 60.000 tấn thuỷ sản, doanh thu 17.985 tỷ đồng, tăng 9,5% so với doanh thu đạt được năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 1.146 tỷ đồng, tăng 37,7%. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của Minh Phú.

Không chỉ kỳ vọng lãi lớn, “vua tôm” còn đặt mục tiêu, chiến lược dài hạn đến 2030 - tầm nhìn đến 2035. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số.

Trong chiến lược phát triển dài hơi, Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm là đến 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu thủy sản ghi nhận một số tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung giá cổ phiếu vẫn tăng giảm đan xen với biên độ lớn do ngành vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tạm chốt phiên sáng 26/4, cổ phiếu VHC, FMC, ANV lần lượt giảm về 59.400 đồng/cp, 42.250 đồng/cp, 31.800 đồng/cp. Ngược chiều, cổ phiếu MPC tăng lên mức 18.900 đồng/cp.

Châu Giang


Tin tức liên quan

Bình luận