Lĩnh vực thủy sản là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn
Trước thách thức biến đổi khí hậu, Sóc Trăng cơ cấu lại sản xuất, xác định lĩnh vực thủy sản là một trong những ngành chủ lực chính, mũi nhọn, dồn lực đầu tư.
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu tiềm năng
Sóc Trăng là một trong những địa phương có 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt phân chia rõ rệt. Địa phương này xác định lĩnh vực thủy sản là thế mạnh, mũi nhọn của nền kinh tế.
Hiện nay, toàn tỉnh có 69 đơn vị áp dụng thực hành sản xuất tốt trong nuôi trồng thủy sản như: VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với quy mô gần 2.500ha, tổng diện tích nuôi tôm lót bạt cũng đạt gần 5.700ha. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiếp nhận và cấp trên 3.800 hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, góp phần rất lớn vào GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 1,05 tỷ USD.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang trở thành những thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản của tỉnh nói riêng, đòi hỏi địa phương phải có những giải pháp thích ứng phù hợp.
Một số nghiên cứu của Phân viện kinh tế và quy hoạch thủy sản phía Nam cho thấy, BĐKH có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nuôi trồng thủy sản thông qua nguồn nước, diện tích, môi trường nuôi, giống, dịch bệnh, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản.
Những năm gần đây, tại tỉnh Sóc Trăng đã ra đời một số mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng và ứng phó kịp thời với những thách thức, diễn biến bất thường của BĐKH. Điển hình, mô hình tôm – lúa, giúp hệ thống canh tác lúa hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo mùa, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tạo điều kiện cho nuôi trồng bền vững.
Ngoài ra, mô hình này có chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận khá. Đặc biệt, bà con nông dân có thể đa dạng hóa thu nhập thông qua kết hợp thả nuôi xen cua, tôm, cá tự nhiên.
Đến nay, mô hình tôm – lúa toàn tỉnh đã phát triển với quy mô khoảng 17.700ha, tập trung chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên. Ông Trần Hoài Giang, Phân viện trưởng Phân viện kinh tế và quy hoạch thủy sản phía Nam phân tích, trước đây, việc sản xuất tôm ở Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn, thiệt hại khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, gần đây, nhờ đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác giảm giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng lúa theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, mô hình tôm – lúa đã bảo vệ tốt môi trường phục vụ nuôi tôm, thiệt hại từ đó được kéo giảm còn 8,4%/năm.
Hay mô hình nuôi nghêu áp dụng tiêu chuẩn MSC, ông Giang đánh giá đây là một trong những mô hình sinh kế tiềm năng cho tỉnh Sóc Trăng. Với diện tích bãi bồi ven biển rộng lớn, cùng hệ thống rừng phòng hộ dày là điều kiện tốt cho nghêu sinh sản, phát triển. Thị xã Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung là hai địa phương có điều kiện tự nhiên thích hợp nuôi nghêu, với diện tích khoảng 4.000ha, sản lượng khai thác khoảng 500 tấn nghêu giống mỗi năm.
Đồng thời, việc áp dụng tiêu chuẩn MSC đã tạo nên khác biệt về kỹ thuật canh tác, nhận thức bảo vệ môi trường, rừng, ý thức xã hội, cộng đồng…
Để đảm bảo sinh kế bền vững cho cư dân ven biển, ông Giang cho rằng, tỉnh Sóc Trăng cần có chính sách giao đất hoặc cho thuê đất sử dụng lâu dài đối với các tổ chức, hộ nuôi nghêu. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, tập trung trồng mới rừng, duy trì tốt hệ sinh thái ven biển, đa dạng sinh học ở các cửa sông ven biển, quản lý tốt việc khai thác và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn về phục vụ địa phương cũng cần được quan tâm để tạo lực lượng đủ mạnh cho việc mở rộng và phát triển vùng nuôi nghêu. Xây dựng các trại ương giống nhằm cung cấp đủ con giống cho nông dân trong tỉnh, các địa phương và vùng lân cận.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cần tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu để đánh giá hiện trạng bãi nghêu và đề xuất quy hoạch vùng nuôi phù hợp.
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi
Tại Hội nghị Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH diễn ra vào ngày 24/11, tại Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khẳng định, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng với BĐKH. Nhất là đầu tư thủy lợi cho vùng sản xuất nhất thủy sản, lúa đặc sản và cây ăn trái. Từ đó đã hình thành các vùng xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết tiêu thụ và chế biến, xuất khẩu.
Sản lượng lúa hằng năm của địa phương đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 93%. Nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt hiệu quả cao, đến nay sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 375.000 tấn. Lĩnh vực cây ăn trái cũng hình thành được những vùng sản xuất tập trung, nhiều sản phẩm như: vú sữa, sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi… đã được xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu.
Đứng trước thách thức diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho các công trình thủy lợi thực hiện chức năng ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, vốn ODA… tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đầu tư nạo vét kênh, mương, bồi trúc đê bao, sửa chữa cống, bọng, xây dựng các công trình khẩn cấp để phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, đến nay địa phương đã nạo vét 30 tuyến kênh với chiều dài 245km, xây dựng 4 cống hở, thực hiện công tác thủy lợi, giao thông mùa khô với trên 3.300 công trình hoàn thành, kinh phí gần 89 tỷ đồng.
Tính riêng trong giai đoạn 2021 - 2023, Sóc Trăng triển khai 28 mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực thủy sản thực hiện 13 mô hình, nổi bật là nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh trên vùng nước lợ, ngọt; nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm hữu cơ vi sinh; nuôi cua 2 giai đoạn bằng giống sinh sản nhân tạo tại huyện Mỹ Xuyên; xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm thuộc Đề án tổng thể ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030…
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, hiện nay các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, sinh thái của tỉnh dù chưa hoàn thiện, nhưng từng bước phát triển từ thấp đến cao. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo quy trình gắn với xuất khẩu ở địa phương cũng chưa chặt chẽ, bước đầu mới hình thành. Nhất là trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản cũng còn khó khăn.
Trên tinh thần tận dụng hết lợi thế và tiềm năng, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng lưu ý các cấp, ngành trong tỉnh từng bước chuyển đổi tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất. Chuyển mục tiêu từ hỗ trợ kinh tế hộ sang kinh tế tập thể, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Nhất là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng bộ hệ thống thủy lợi, chú trọng công tác thủy lợi liên kết vùng, hệ thống kênh trục liên huyện phục vụ sản xuất trên cơ sở phát triển bền vững.
Triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng xác định đầu tư phát triển theo chiều sâu, xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng chính. Từ đó, ngành sẽ tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong chế biến tôm để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Đặc biệt, cảng cá Trần Đề được tập trung khai thác hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn với phát triển kinh tế biển, tiến đến hình thành trung tâm nghề cá khu vực.
KIM ANH
Xem thêm