Kỳ vọng bứt phá xuất khẩu, dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu thuỷ sản

10/11/2021 | 613 |
0 Đánh giá

Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành thuỷ sản vẫn vươn lên mạnh mẽ trong quý 3/2021. Với những tín hiệu tích cực mới về thị trường, doanh nghiệp thủy sản đang được kỳ vọng bứt phá tăng trưởng và đang là nhóm ngành được dòng tiền đầu tư hướng đến trên thị trường chứng khoán.

Vượt qua quý 3 đầy thử thách

Chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19, lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản đã gặp khó khăn và tổn thương nặng nề sau gần ba tháng giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do phát hiện số lượng ca F0 lớn bị buộc phải cách ly, phong tỏa và không đáp ứng điều kiện làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Những khó khăn khiến doanh nghiệp thủy sản chật vật được phản ánh rõ hơn vào kết quả kinh doanh quý 3 của nhóm doanh nghiệp thủy sản niêm yết.

Quý 3/2021, CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) ghi nhận doanh thu giảm 19% so với cùng kỳ, xuống còn 656 tỷ đồng. ANV cho biết nguyên nhân giảm doanh thu là do số lượng công nhân khi thực hiện phương án 3 tại chỗ dẫn đến sản lượng bán giảm.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng mạnh 73%, lên gần 66 tỷ đồng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ 3 tại chỗ phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại Công ty. Kết quả, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến ANV báo lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 40 tỷ đồng.

Tương tự, Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý III đồng loạt đi lùi so với cùng kỳ. Doanh thu sụt giảm 7% về mức 71 tỷ đồng cộng với chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên gần 9 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thuế quý III của ABT giảm 55% về còn hơn 1 tỷ đồng. 

CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (Mã: ACL) mặc dù ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt gần 224 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ nhưng giá vốn tăng cao cùng các chi phí đội lên kéo lợi nhuận sau thuế giảm gần 2,6 lần còn hơn 3,5 tỷ đồng.

Bên cạnh một số đơn vị chịu sự ảnh hưởng rõ rệt của dịch bệnh, lợi nhuận một số công ty cùng ngành vẫn tăng trưởng.

Quý 3/2021, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) vẫn lãi ròng hơn 256 tỷ đồng, tăng 45,62% so với mức 175 tỷ cùng kỳ năm 2020. Đại diện công ty cho biết, chênh lệch biến động lợi nhuận tăng chủ yếu do giá bán tăng. Trong Quý 3/2021, các chi phí của VHC đều tăng. Cụ thể, chi phí bán hàng là 60,6 tỷ, 68,8%; chi phí tài chính là 44,6 tỷ đồng, tăng 119%; chi phí quản lý doanh nghiệp là 51,4 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

Với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), dù doanh thu thuần giảm nhẹ 3% xuống 2.695 tỷ đồng, tuy nhiên nhờ giá vốn hàng bán giảm 11% nên lãi gộp quý 3 của Minh Phú tăng 82% so với cùng kỳ năm trước, đạt 447 tỷ đồng.

Chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí bán hàng ghi nhận tăng đột biến 95% trong quý 3 lên 164 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí dịch vụ mua ngoài nhưng không được thuyết minh chi tiết. Dù vậy, kết thúc quý 3 lãi sau thuế của Minh Phú vẫn ghi nhận mức tăng 39% lên 231 tỷ đồng. 

Đi ngược lại xu hướng chung, Camimex Group (HOSE: CMX) ghi nhận chỉ tiêu doanh thu và lãi ròng quý 3 lần lượt tăng 31% và 67% so với cùng kỳ, đạt gần 527 tỷ đồng và hơn 21 tỷ đồng. Một trường hợp khác, Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) báo lãi ròng hơn 142 triệu đồng trong khi 5 quý liền trước đều chìm trong thua lỗ. Tuy nhiên, kết quả này không đến từ hoạt động cốt lõi mà nhờ vào đầu tư chứng khoán.

Kỳ vọng doanh nghiệp thủy sản bứt tốc dòng tiền tìm đến cổ phiếu tăng nóng
Doanh nghiệp thủy sản vượt khó chờ đợi bứt phá trong những tháng cuối năm

Tín hiệu hồi phục những tháng cuối năm

Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, lệnh giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, các địa phương sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản được trở về trạng thái bình thướng mới và tăng cường sản xuất, chế biến, xuất khẩu phục hồi sản xuất.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kết quả xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2021 đạt 918 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9/2021.

Các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại như cá ngừ, mực, bạch tuộc, tôm; trong đó, cá ngừ và mực, bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 1,6%. Con số tăng trưởng cho thấy sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục rõ rệt.

Tính đến hết tháng 10/2021, XK thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%, trong đó tôm đạt 3,2 tỷ uSD, tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%, các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp thuỷ sản ở vùng ĐBSCL, những tháng cuối năm thị trường ngành thuỷ sản rất sôi động, nhu cầu sử dụng luôn tăng cao do có các lễ hội và ngày Tết. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp thủy sản chạy nước rút để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2021.

Nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch COVID - đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định.

Kỳ vọng doanh nghiệp thủy sản bứt tốc dòng tiền tìm đến cổ phiếu tăng nóng
Dòng tiền đầu tư chứng khoán tìm đến nhóm cổ phiếu thuỷ sản

Cổ phiếu ngành thủy sản hút dòng tiền

Tiếp tục xu hướng cuối tuần trước, nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý vào nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chế biến thủy sản khiến nhóm cổ phiếu này liên tục tăng lập đỉnh.

Cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group bùng nổ thanh khoản với hơn 3 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên trong 5 phiên gần đây. Kể từ đầu tháng 11, thị giá CMX cũng tăng giá ấn tượng từ mức 16.200 đồng lên 19.600 đồng/cổ phiếu lúc chốt phiên giao dịch ngày 8/11, tương ứng mức tăng 20%.

Bất chấp kinh doanh thu lỗ 13 tỷ đồng trong quý 3/2021, cổ phiếu ANV của Công ty cổ phần Việt Nam tăng giá mạnh 11% chỉ trong 2 phiên 4-5/11 do kì vọng vào đà phục hồi với trọng điểm thị trường Trung Quốc của công ty. Đà tăng của ANV đã bắt đầu kể từ đầu tháng 10 từ dưới mức 30.000 đồng đạt đỉnh tại mức 38.200 đồng/cổ phiếu ghi nhận trong phiên 8/11 vừa qua.

Với sự tăng trưởng bất ngờ về doanh thu và lợi nhuận, cổ phiếu VHC đã được nhà đầu tư chú ý từ đầu tháng 8 với nhịp tăng trưởng đều đặn và vẫn chưa có tín hiệu dừng lại. Hiện, cổ phiếu VHC giao dịch trên vùng đỉnh ở quanh mức 67.000 đồng/cổ phiếu. Với kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu tại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục khả quan giúp giá bán vẫn còn đà tăng.

Cổ phiếu của Tập đoàn PAN (mã: PAN) và Công ty trực thuộc Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) đều tăng ấn tượng từ đầu tháng 11. Cổ phiếu PAN tăng giá từ 32.400 đồng/cổ phiếu, lên mức 34.700 đồng/cổ phiếu bất chấp việc các cổ đông chủ chốt liên tục bán lượng lớn cổ phiếu. FMC thuận lợi tăng ngay từ đầu tháng 11 với việc tăng trần trong phiên 5/11. Thị giá cổ phiếu tiếp tục tăng lên 52.900 đồng/cổ phiếu trong phiên đầu tuần 8/11.

Với chiều hướng có khả năng bứt phá của nhóm cổ phiểu ngành thủy sản cho thấy nhà đầu tư đang đặt không ít kỳ vọng đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này trong thời gian tới đây. Đặc biệt là khi thị trường xuất khẩu đang có những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ.

 Trung Anh


Tin tức liên quan

Bình luận