Giá tôm giảm đến 40%, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta 'hiến kế' giải quyết nút thắt
2 tháng trở lại đây giá Việt Nam tôm liên tục 'nhảy' mạnh theo chiều đi xuống. Ts. Hồ Quốc Lực cho rằng, về dài hạn việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm sẽ giúp nâng cao hệ số nuôi thành công và giải quyết nút thắt cổ chai điểm gay go nhất...
Giá tôm 'nhảy' mạnh theo chiều đi xuống
Trong một bài viết mới đây trên trang thông tin của Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASE), Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Vasep, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam) cho biết, 2 tháng trở lại đây giá Việt Nam tôm liên tục 'nhảy' mạnh theo chiều đi xuống. Đến nay mức giảm khoảng 40% cho tất cả cỡ tôm. Và đây là chuyện không nhỏ bởi gắn liền sinh kế hàng triệu người ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lực cho rằng, chuyện giải cứu giá tôm là chuyện phải làm, làm càng nhanh càng tốt. Nguyên nhân khách quan khiến giá tôm lao dốc do lạm phát, suy thoái toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; đó là mức cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều tạo áp lực quá lớn để giá cả không thể phục hồi. Đồng thời các kho hàng của các hệ thống phân phối lớn các thị trường tiêu thụ lớn còn khá đầy…
Về chủ quan, đó là trách nhiệm các mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm, có phần đang đùn đẩy trách nhiệm. Nhà chế biến nói do tỉ lệ nuôi thành công thấp khiến giá thành tôm nuôi cao đội giá thế giới nên khó tiêu thụ...
"Tìm hiểu sâu hơn yếu tố khách quan; các nước Ecuador, Ấn Độ đều đưa ra tỉ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so tỉ lệ nuôi thành công của Việt Nam. Họ có giá mua tôm thương phẩm từ các nhà chế biến, giá mua đó thấp hơn giá các nhà chế biến Việt Nam mua từ tôm của bà con nông dân trong nước từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg", ông Lực nói.
Tiến sỹ Lực cho biết, giá bán của các nước này rất thấp, bởi trình độ chế biến không bằng Việt Nam. Giá chúng ta bán cao nhất so các đối thủ nhưng do là tôm chế biến sâu nên giá cao. Do năng lực chế biến cao nên các nhà máy mới kham nổi việc mua tôm thương phẩm cao hơn so các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay giá tôm thương phẩm các nước khác đang giảm, giá tiêu thụ quá thấp. Theo đó, các nhà chế biến tôm của chúng ta phải mua giảm giá để có thể cạnh tranh, đặc biệt còn để tồn tại.
Về yếu tố chủ quan, hiện Việt Nam có con giống bố mẹ tốt, nhưng các cơ sở sản xuất tôm kém chất lượng vẫn còn đầy rẫy, khiến người nuôi không phân biệt nổi sự bát nháo này. Ngoài ra còn có sự chủ quan từ nhà cung ứng tôm giống, nhất là vài vụ nuôi vừa qua, một tỉ lệ tôm nhiễm EHP từ cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, tình trạng nuôi tự phát, manh mún nhỏ lẻ dẫn đến không đủ nước sạch nuôi; dẫn đến nhiễm chéo vì không đủ hệ thống kênh cấp và thoát riêng; dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ... Việc con giống kém chất lượng và thiếu nước sạch nuôi tôm tạo nên tình cảnh hệ số thu hồi đầu con thấp, năng suất thấp, dĩ nhiên giá thành phải tăng lên. Song song đó, giá thành tăng lên còn do người nuôi thiếu vốn phải nhận sự đầu tư từ thương lái, phí tổn đầu vào tăng lên vài chục phần trăm.
Cần lo vốn cho người nuôi
Để giải quyết bài toán này, theo Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, nhà cung ứng giống phải làm sạch lực lượng mình, thông qua thực thi bộ tiêu chí được thống nhất. Từ đó, sẽ công khai những cơ sở uy tín có sản phẩm chất lượng để người nuôi biết mà chọn lựa.
Nhà chế biến phải hỗ trợ thông tin tình hình thị trường, giá cả thế giới để các mắt xích còn lại tham khảo, ứng xử. Người chế biến cần nỗ lực tiết kiệm giảm giá thành, cố gắng tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng, cố gắng mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm có thêm thặng dư mua giá tôm thương phẩm tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ giảm thiểu mua tôm nguyên liệu block từ nước ngoài, tập trung ủng hộ tôm thương phẩm trong nước.
Với người nuôi và và nhà đầu tư người nuôi, phải chú trọng đầu vào có lựa chọn, chất lượng khá hơn. Nếu giá cả có cao hơn nên thu hẹp quy mô nuôi theo khả năng. Nuôi ít mà chắc, từng bước mở rộng sau khi có tích luỹ. Song song cập nhật các quy trình nuôi có kết quả tốt để có thể ứng dụng theo hoàn cảnh.
Nhà cung ứng thức ăn, chế phẩm nuôi… phải thắt chặt chi phí nhằm cung ứng người nuôi sản phẩm với giá mềm nhất.
Đồng bộ với các giải pháp trên là sự nỗ lực hơn của vai trò quản lý nhà nước. Việc quản lý kiểm soát, lưu thông, tiêu thụ tôm phải chặt chẽ, quyết liệt hơn bao giờ hết. Thậm chí cũng nên xem xét giá cung ứng của các yếu tố đầu vào nuôi tôm, quan trọng nhất là giá thức ăn. Dài hạn hơn là việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm. Ít tiền nên lo thuỷ lợi trước tiên. Hai chuyện này chắc chắn giúp nâng cao hệ số nuôi thành công và giải quyết nút thắt cổ chai điểm gay go nhất.
Tiếp theo là lo vốn cho người nuôi. Thắt nút cổ chai này cũng là điểm nghẽn đáng kể. Ngân hàng thương mại khó có thể phá quy định, bởi người nuôi không còn gì để thế chấp làm sao cho vay, trong khi nhu cầu vốn nuôi tôm là con số không nhỏ.
Ông Lực cho hay, nội dung này đang được giải quyết khá tốt qua sự linh hoạt trong chính hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ năm 2018 đã hình thành một chuỗi mới là sự liên kết giữa các yếu tố đầu vào, ngân hàng, đại lý mua tôm và người nuôi. Ban đầu chuỗi này do C.P VN đi tiên phong. Kết quả nhiều năm qua khá khả quan. Các nhà cung ứng khác đã hình thành chuỗi liên kết tương tự và có mô hình nuôi riêng cho mình, và tất cả đã góp phần vực dậy một bộ phận không nhỏ người nuôi, góp phần không nhỏ duy trì sản lượng tôm nuôi và có phát triển nhẹ các năm qua. Do vậy, người nuôi nên chú trọng hợp tác với các chuỗi này.
"Tóm lại, chúng ta tập trung quan tâm đối thủ, quan tâm tình hình thị trường thế giới và đủ thông tin tới tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm. Các mắt xích phải biết sàng lọc lực lượng của mình, lấy chất lượng làm chủ đạo, nhất là con giống và tất cả phải chung tay vì sự tồn tại lâu dài của cả ngành để có cách ứng xử phù hợp. Và hơn tất cả, Chính phủ và Bộ ngành liên quan cần có sự quan tâm thoả đáng hơn tới con tôm thông qua các định chế quản lý, có cập nhật chặt chẽ hơn.
Trước mắt tập trung vào quản lý con giống và nâng mức đầu tư thuỷ lợi các vùng nuôi tôm trọng điểm. Còn về lâu dài, dù Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển thuỷ sản nói chung, con tôm nói riêng tới năm 2030, tầm nhìn 2045, nội dung rất súc tích nhưng hiện thực hoá thì quá chậm chạp, cần có sự quan tâm thoả đáng, đúng mức hơn", ông Lực bày tỏ.
Nguồn: Báo Tài chính nông nghiệp
Xem thêm