Giá thành cao, lợi nhuận nuôi cá tra thua lãi suất ngân hàng
Khó khăn hiện nay của ngành cá tra là giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn, thuốc hoá chất, nhiên liệu… tăng nên lợi nhuận không cao, ảnh hưởng đến tái sản xuất.
Giá thành tăng cao
Hiện nay, cá tra cũng giống như những đối tượng nuôi khác đang bước vào thời kỳ khó khăn bởi giá thành sản xuất tăng cao. Theo người nuôi, giá thành sản xuất đang dao động từ 28.000 - 29.000 đồng/kg. Theo ngành chức năng, khó khăn hiện nay của ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung, trong đó có cá tra là giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn, thuốc hoá chất, nhiên liệu… tăng hàng năm nên lợi nhuận không cao, ảnh hưởng đến tái sản xuất của người dân.
Tại Bến Tre, năm 2022, diện tích thả giống cá tra đạt 840ha, diện tích thả lại lần 2 là 63,1ha, đạt 105% kế hoạch với sản lượng ước tính là 205 nghìn tấn. Quý I năm 2023, diện tích thả giống của Bến Tre ước đạt 174ha, đạt 21,75% so kế hoạch, giảm 0,57% so với cùng kỳ. Còn tại Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 355ha diện tích thả nuôi cá tra.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc HTX nuôi thuỷ sản Trường Phát (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), cá đạt trọng lượng từ 800g đến khoảng hơn 1,2kg sẽ được xuất bán. Đối với cá cỡ 800g, hệ số thức ăn là 1.55. Đối với cá cỡ 1kg đến dưới 1,2kg, hệ số thức ăn dao động 1.65 đến nhỏ hơn 1.7. Đối với cá đạt kích cỡ trên 1,2kg, hệ số thức ăn khoảng 1.7. Nuôi cá lên kích cỡ càng lớn càng bất lợi. Tuy nhiên, hiện các nhà máy chỉ thu cá có trọng lượng từ 1,2kg trở lên.
Giá thức ăn chăn nuôi được doanh nghiệp bán theo hai hình thức, tiền mặt và nợ 1 tháng. Nếu HTX mua tiền mặt sẽ có giá 13.200 đồng/kg. Nếu mua nợ một tháng là 13.500 kg. Chậm trả 1 tháng sẽ chịu lãi phạt 12%/năm. Thông thường, người dân sẽ mua nợ và trả chậm nên chỉ riêng giá thức ăn đã chiếm 24.000 đồng trong cơ cấu giá thành cho 1kg cá tra nguyên liệu.
Bên cạnh đó, ông Hồng cũng cho biết, chi phí con giống dao động từ 1.500 - 2.000 đồng; chi phí thuốc thuỷ sản 1.000 đồng; tiền công nhân quản lý 1.000 đồng. Do đó, giá thành dao động quanh mức trên dưới 28.000 đồng.
Tại Công ty Gò Đàng, doanh nghiệp này đang có vùng nuôi cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc công ty cho hay, so với bà con nông dân thì giá thành của doanh nghiệp thấp hơn chừng vài trăm đồng. Nói về nguyên nhân giá thành tăng, ông Đạo cho biết: “Tất cả đầu vào đang tăng cao từ đậu nành, cám gạo đến bột cá tăng…”.
Đáng chú ý, hiện giá đậu nành đã tăng lên khoảng 20%, từ 13.000 đồng đã lên đến khoảng 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, đậu nành chiếm khoảng 50% trong cơ cấu thành phần phối trộn thức ăn cho cá tra. Từ đó, đẩy giá thức ăn tăng lên khoảng 10-15%, tuỳ theo độ đạm là 26, 28 hay 30% mà giá khác nhau dao động từ 13.500 - 14.000 đồng/kg.
Hiện nay, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng đang kiến nghị giảm thuế nhập khẩu đậu nành từ 2% về mức 0%, ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng nếu được chấp thuận sẽ tác động rất lớn đến việc giảm giá thành cho thức ăn chăn nuôi, nhất là con cá tra bởi như phân tích ở trên đậu nành chiếm 50% cơ cấu thức ăn nuôi cá tra.
Lợi nhuận thua gửi tiết kiệm ngân hàng
Năm qua và những tháng đầu năm 2023, giá cá tra dao động từ mức 28.500 đồng - 32.000 đồng/kg. Vụ cá vừa rồi, ông Nguyễn Văn Hồng thả nuôi 800 nghìn con giống cho 4 ao với diện tích 1,8ha. Cả vụ, ông thu hoạch 4 đợt với tổng sản lượng 350 tấn, trong đó giá 28.500 được 40%, giá 32.000 đồng được 20%, còn lại mức 30.500 - 31.000. Theo tính toán của ông Hồng, lợi nhuận bình quân cả vụ chỉ đạt khoảng 2.000 đồng/kg. Làm phép tính đơn giản, ông nói lợi nhuận thua cả đem tiền gửi tiết kiệm ngân hàng bởi đầu tư 28.000 - 29.000 đồng/kg trong vụ nuôi gần cả năm mà lãi có 2.000 đồng.
Còn ông Nguyễn Văn Đạo cho hay, hiện giá cá nguyên liệu đang tầm 30.000 đồng, trong khi giá thành 29.000 đồng/kg thì lời có 1.000 đồng/kg. Lời dưới lãi suất ngân hàng thì coi như lỗ, bởi đầu tư cái gì cũng lấy mốc lãi suất ngân hàng để so sánh. Lợi nhuận của bà con rất ít, nếu ai vay tiền ngân hàng để đầu tư nuôi cá thì nắm chắc không có lời.
Nói về tình hình thị trường tiêu thụ cá tra, ông Đạo cho biết: Thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu. Tình hình thị trường hơi trầm lắng. Đối với thị trường Trung Quốc, họ đã bỏ chính sách Zero Covid nhưng tâm lý người dân còn e dè. Bên cạnh đó, hàng tồn kho họ còn nhiều nên tốc độ tiêu thụ không đạt như mình kỳ vọng. Hy vọng hết quý 2 năm nay nhu cầu sẽ tăng lên.
Ngày càng bất lợi
Nghề nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL phát triển từ đầu những năm 2000, riêng ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh từ năm 2006. Nuôi cá cũng có người thành công nhưng cũng không ít người thất bại. Nguyên nhân chính, ông Nguyễn Văn Hồng đúc kết: Nếu trong chăn nuôi có sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với nhau thì hiệu quả tốt hơn, còn hộ nào tự thân nuôi riêng lẻ, tự mua thức ăn, tự bán cho các nhà máy thì sẽ thất bại.
Hiện nay, HTX nuôi thuỷ sản Trường Phát có 15 thành viên, sản lượng cá khoảng 3.000 tấn/năm. HTX mua bán với sản lượng lớn nên tiết giảm được nhiều chi phí, lợi nhuận có phần tăng so với sản xuất riêng rẽ. Ông Hồng quả quyết: Trong sản xuất cá tra nếu sản xuất riêng lẻ là bảo đảm không tồn tại, chỉ có sự đoàn kết, liên kết chuỗi với nhau giữa nhà máy thức ăn, nhà máy chế biến .
Ông Nguyễn Văn Hồng cho hay, thời gian gần đây nghề nuôi cá tra lợi nhuận không cao. Nguyên nhân chính, hình như con giống không còn đạt chất lượng như ngày trước. Bên cạnh đó, chất lượng thức ăn trong thời gian gần đây bị giảm. Môi trường cũng không tốt như ngày xưa do tình hình biến đổi khí hậu, nước mặn dâng nên dịch bệnh thường xảy ra do đó người nuôi gặp khó khăn. Lợi nhuận nghề nuôi cá so với lãi suất ngân hàng không tương ứng sẽ không kích thích người nuôi.
Ông Hồng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm hơn đối với vấn đề con giống. Sản xuất con giống chất lượng đồng thời phù hợp với môi trường nuôi hiện tại, nhất là thích nghi với tình hình nước mặn xâm nhập.
Bên cạnh đó, tình hình nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đang rất khó mua, nếu có mua được thì giá cũng tương đối cao, chính từ đó, nhà máy sản xuất thức ăn ra bán lại cho người nuôi giá cao. Ông cũng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm hơn đến vấn đề nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn nói chung cho các vật nuôi chứ không chỉ riêng cho cá tra. Có như thế mới đảm bảo cho người nuôi có lãi, còn kéo dài tình trạng này thì sẽ rất khó cho việc chăn nuôi của địa phương.
Cùng với đó, ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, vùng nuôi đạt chuẩn xuất khẩu, các mô hình nuôi an toàn như VietGAP có truy xuất nguồn gốc nhằm giúp cho chuỗi liên kết bền vững và lâu dài.
Minh Đảm – Hữu Đức
Xem thêm