Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo quy định nào?
(VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa giải đáp thắc mắc của công dân liên quan tới việc ghi nhãn sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Qua Hệ thống Tiếp nhận và Trả lời kiến nghị công dân, ông Ma Xuân Nghị (TP.HCM) hỏi, nhãn phụ của thức ăn chăn nuôi chỉ ghi thành phần chính hoặc nguyên liệu chính và kèm định lượng của từng nguyên liệu/thành phần có coi là đã tuân thủ quy định của Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP hay chưa, hay phải liệt kê tất cả nguyên liệu được sử dụng?
Theo ông Nghị tìm hiểu thì chưa có văn bản nào định nghĩa "nguyên liệu chính" là gì. Ông Nghị hỏi, nguyên liệu và thành phần chính cần phải được ghi cụ thể đến mức độ nào là đủ để tuân thủ quy định hiện hành?
Liên quan tới thắc mắc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có trả lời chính thức. Theo Bộ NN&PTNT, Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có quy định: “Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu”.
Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Theo Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT ngày 28/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi, việc ghi thành phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên nhãn được quy định tại Phụ lục II, cụ thể như sau:
Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc: Phải ghi tên các loại nguyên liệu chính sử dụng để phối chế sản phẩm, không bắt buộc ghi định lượng của từng nguyên liệu. Đối với thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống: Phải ghi tên các nguyên liệu sử dụng để phối chế sản phẩm, không bắt buộc ghi định lượng của từng nguyên liệu.
Như vậy, nhãn phụ của thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải ghi thành phần nguyên liệu theo quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT nêu trên.
Hồi tháng 7/2020, Cục QLTT Trà Vinh tiến hành kiểm tra thực tế đối với hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản do ông P.H.P làm chủ (địa chỉ tại ấp Thốt Lốt, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Qua làm việc, ông P.H.P. thừa nhận hành vi vi phạm: Lưu thông (mua bán) 02 sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hàng hóa nêu trên chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo quy định và kinh doanh thức ăn bổ sung nuôi trồng thủy sản trên nhãn ghi thông tin công dụng không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, trị giá tang vật vi phạm 5.600.000đ với sự chứng kiến của người đại diện các Công ty nêu trên. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Từ vi phạm trên, Trưởng Đoàn kiểm tra đã đề xuất Đội trưởng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi: Lưu thông sản phẩm nuôi trồng thủy sản chưa gửi thông tin đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Quyết định nêu rõ: Phạt tiền 7.500.000 đồng và buộc cơ sở thu hồi sản phẩm để tái chế theo quy định và hành vi kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản vi phạm nhãn: phạt tiền 2.500.000 đồng. Tổng tiền phạt 10.000.000 đồng. Đương sự đã thực hiện nộp phạt xong tổng số tiền trên về Kho bạc Nhà nước theo quy định. |
Bảo Lâm
Xem thêm