Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ: Chưa tác động đến doanh nghiệp Việt
Các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu Việt Nam có chịu ảnh hưởng lớn khi dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ đang nhận được nhiều sự quan tâm. Dù vậy, phần đông DN cho biết vẫn chưa có tác động quá lớn và đang theo dõi tình hình sát sao.
Tôm Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ, khi Ấn Độ - nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch Covid-19.
Thị phần Ấn Độ chưa nhiều
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD tăng 22,2%, nhập khẩu đạt 1,58 tỷ USD tăng 50% so với cùng kỳ 2020.
Một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như chè tăng 693,8%; than đá tăng 256,5%, chất dẻo nguyên liệu tăng 195%, sắt thép các loại tăng 186%, hàng thủ công mỹ nghệ - mây tre, cói thảm tăng 103,5%...
Với mức tăng trưởng mạnh như vậy liệu bước qua tháng 4 khi Ấn Độ bùng phát dịch Covid-19 các nhóm ngành này có chịu ảnh hưởng nhiều?
Chia sẻ với ĐTTC, ông Hoàng Vĩnh Long, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết dù kim ngạch xuất khẩu chè sang thị trường Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng cho đến nay Ấn Độ không phải là thị trường lớn của ngành chè Việt Nam, bởi họ cũng là một trong những trung tâm lớn trên thế giới về sản xuất chè.
Chưa kể tháng 4 thường được gọi là tháng “chè ngủ”, sản lượng chè sản xuất hầu như không có, nên tác động đến DN Việt sẽ không nhiều.
Không nằm trong top nhóm ngành có hoạt động xuất nhập khẩu lớn với thị trường Ấn Độ, nhưng những năm gần đây ngành dệt may 2 nước cũng được thúc đẩy giao thương mạnh mẽ.
Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát ở Trung Quốc, việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế ở các thị trường như Ấn Độ được đẩy mạnh.
Song theo đánh giá của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM, dịch ở Ấn Độ chưa ảnh hưởng nhiều đến DN dệt may Việt Nam. Hiện chúng ta mua nguyên phụ liệu của Ấn Độ còn rất khiêm tốn. Tương tự, việc xuất khẩu qua thị trường này cũng rất ít nên hiện các DN vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình.
Tại diễn đàn đầu tư Ấn Độ - Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 1, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết những năm gần đây kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đang tăng trưởng ấn tượng. Song hiện mức kim ngạch mới dừng lại hơn 12 tỷ USD, nên cơ hội khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này đối với DN Việt rất lớn.
Tuy nhiên, dù các DN chưa chịu tác động nhiều nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở Ấn Độ, ngay từ giữa tháng 4, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã khuyến nghị DN Việt Nam thường xuyên liên hệ với đối tác Ấn Độ để cập nhật diễn biến tình hình và các biện pháp phong tỏa của chính quyền địa phương.
Theo đó, cần trao đổi với các đối tác đàm phán lại điều khoản hợp đồng, điều kiện giao hàng, thanh toán và ghi rõ các trường hợp bất khả kháng. Đối với các đơn hàng mới xem xét, áp dụng các điều khoản thanh toán an toàn, có lợi cho DN, tuyệt đối không sử dụng các phương pháp thanh toán trả chậm.
Tăng cường giao dịch điện tử nhưng cần ký kết hợp đồng mua bán đầy đủ, đúng quy định, tránh chỉ sử dụng bằng email hoặc tin nhắn để thực hiện hợp đồng kinh doanh.
Cơ hội cho một số ngành xuất khẩu
Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ không tác động đến tôm Việt, ngược lại mang lại lợi thế hơn. Để tận dụng tốt cơ hội này, DN trong nước cần có sự chuẩn bị thật tốt. Ông Hồ Quốc Lực, |
Tính cho đến nay Ấn Độ luôn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong nhiều mặt hàng xuất khẩu như thủy sản, dệt may, da giày, chè… tại Mỹ hay châu Âu. Vì lẽ đó, khi dịch bùng phát ở quốc gia này, lại có lợi thế cho một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, như thủy sản.
Theo phân tích mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong diễn biến dịch hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào một số quốc gia/khu vực sẽ có lợi thế, trong đó xuất khẩu vào Mỹ sẽ là điểm sáng cho thủy sản.
Đặc biệt, tôm Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn tại Mỹ khi Ấn Độ, nguồn cung lớn nhất tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch Covid-19. Các chuyên gia ngành tôm Ấn Độ cũng đã xác định năm nay sẽ thực sự khó khăn do thiếu container lạnh, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng gấp 3 lần; hoặc do giá nhiên liệu tăng, chi phí đóng gói, nhân công tăng, đồng rupee Ấn Độ mạnh lên so với USD, chính phủ loại bỏ các ưu đãi xuất khẩu…
Cũng theo phân tích của Vasep, tình hình mất kiểm soát của Ấn Độ đối với dịch bệnh có thể dẫn đến sự rối loạn về nguồn cung và giá, khi người nuôi vội vã thu hoạch tôm sớm, các nhà máy không xử lý kịp trong bối cảnh giãn cách được thực hiện trên toàn quốc.
Hơn nữa tôm Ấn Độ đang là đối tượng ngành tôm Mỹ tấn công, với động thái gây áp lực để chính quyền Mỹ đánh thuế 2% với tôm nước ấm Ấn Độ, đồng thời đưa ra những cáo buộc về lao động cưỡng bức, sử dụng kháng sinh cấm trong ngành tôm Ấn Độ. Do vậy 2021 có thể xem là năm đen tối với tôm Ấn Độ.
“Cần làm rõ hiện nay các DN Việt hầu như không nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ vì không thể truy suất nguồn gốc. Chưa kể nếu DN nhập nguyên liệu sẽ giúp Ấn Độ né thuế của Mỹ” - ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, nhấn mạnh.
Cho đến nay dù chưa chịu tác động lớn, song khi chia sẻ các DN đều kỳ vọng Ấn Độ có thể sớm vượt qua giai đoạn dịch, giúp DN 2 nước có thể đẩy mạnh giao thương, vì Ấn Độ vẫn là thị trường tiềm năng với dân số đông.
Chỉ tính riêng trong quý I vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã thực hiện hơn 10 chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến với nhiều ngành hàng tại nhiều bang ở Ấn Độ.
Nếu không có tác động của dịch, dự kiến trong tháng 5 này Thương vụ sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương quảng bá về nông nghiệp, thực phẩm chế biến, cũng như phối hợp với tỉnh Bình Thuận quảng bá trái thanh long tại Ấn Độ.
Thanh Lâm
Xem thêm