Cần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản
Thăng trầm nghề nuôi trồng thuỷ sản
Nghề nuôi cá nói riêng, nuôi trồng thuỷ sản nói chung đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, cái nghề từng ăn nên làm ra này lại đang trở thành nỗi lo của hàng trăm nông dân gắn bó với con cá.
Thu hoạch cá. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện
“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo…”, bài học vỡ lòng về kinh tế nông nghiệp được lưu truyền trong dân gian, từ đời này sang đời khác là câu nói tâm đắc của những người nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Nghề nuôi cá nói riêng, nuôi trồng thuỷ sản nói chung đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, cái nghề từng ăn nên làm ra này lại đang trở thành nỗi lo của hàng trăm nông dân gắn bó với con cá.
Khá hơn nhờ nuôi cá
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện là 374 ha, tập trung tại các xã Lộc Ninh, Chà Là, Phước Ninh và Phước Minh. Lợi nhuận từ nuôi trồng thuỷ sản cao gấp 2,5 đến 4 lần so với trồng lúa, giúp nhiều hộ dân ổn định cuộc sống.
Những năm qua, nhiều hộ dân tại ấp B4, xã Phước Minh mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, tận dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng nuôi cá lóc bông, lóc đen, diêu hồng, ba ba… đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Phạm Trọng Thức, ngụ ấp B4 gắn bó với nghề nuôi cá lóc hơn 10 năm cho biết, do đất không màu mỡ, khó trồng trọt, ông đã tận dụng nguồn nước hồ Dầu Tiếng để đào ao thả cá, kết hợp đánh bắt cá lòng hồ. Thời gian đầu, gia đình ông gặp không ít khó khăn. Nhờ chăm chỉ, kiên trì, ao cá của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, thu lãi bình quân 100 triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông Lâm Minh Nghĩa, ngụ ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh gắn bó với nghề nông hàng chục năm. Ðất phèn, khó canh tác, năng suất không cao nên cách đây 3 năm, ông Nghĩa chuyển sang nuôi cá rô đồng. Ngay năm đầu tiên gia đình ông đã có lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
“Nuôi cá không cần diện tích quá lớn, chỉ khoảng 800m2, một năm nuôi 3 lứa. Thông thường một ao cá, nếu chăm sóc kỹ sẽ được khoảng 10 tấn cá, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận mỗi lứa khoảng 30 triệu đồng”- ông Nghĩa cho biết.
Theo Hội Nông dân xã Lộc Ninh, những năm gần đây, nhận thấy mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát huy hiệu quả kinh tế, nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Ðến nay, xã Lộc Ninh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt khoảng 100 ha.
Thu hoạch cá. Ảnh: Lê Văn Hải
Nợ cũng từ cá
Những năm qua, giá cá tuy có bấp bênh, nhưng nghề nuôi thuỷ sản giúp nhiều nông dân có “đồng ra đồng vào”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sức tiêu thụ trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều giảm sút, thậm chí có lúc không tiêu thụ được. Nông dân liên tiếp gặp thua lỗ, khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư hoặc duy trì sản xuất nên nhiều hộ gia đình tại huyện Dương Minh Châu chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh.
Tại xã Phước Ninh, nhiều nông dân cho biết, hơn 2 năm trước, giá cá ở mức khá cao nên người nuôi phấn khởi, không ít người "chạy theo phong trào" đào ao nuôi cá. Tuy nhiên, hơn một năm qua, giá cá sụt giảm liên tục, có hộ nuôi trồng lâu năm cũng phải “treo ao” vì thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Loan- Chủ tịch Hội Nông dân xã, đầu năm 2020, toàn xã có khoảng 100 hộ nuôi trồng thuỷ sản, với diện tích 40 ha nhưng đến nay, diện tích nuôi trồng giảm còn 30 ha. Số hộ còn nuôi cũng khá cầm chừng vì giá cá giống và thức ăn đều tăng, giá bán giảm mạnh, một số hộ khác chuyển sang nuôi ba ba.
Anh Nguyễn Văn Tuân, ngụ ấp Phước An có hơn 15 năm nuôi cá lóc bông, cá lóc đen- vui có, buồn có nhưng chưa lúc nào anh thấy nghề nuôi cá lại khó khăn như hiện nay. Cách đây khoảng chục năm, khi diện tích nuôi cá lóc chưa lên tới con số hàng chục héc-ta như bây giờ và không bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cá lóc thương phẩm được giá nên đời sống gia đình anh khấm khá hơn. Vài năm trở lại đây, nhất là năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 28.000 đồng/kg.
Anh Tuân chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi trung bình khoảng 5 tháng là xuất bán, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ cá chậm nên có thời điểm tôi đã phải nuôi đến 6, 7 tháng để chờ giá. Chi phí thức ăn cho cá cao, trung bình một ao khoảng 5 triệu đồng/ngày. Dù biết giá có thể sẽ tăng trong tháng sau nhưng nông dân không thể nuôi thêm vì chênh lệch giá bán cũng không đủ bù chi phí mua thức ăn. Năm 2020, tôi lỗ khoảng 200 triệu với 5 ao nuôi cá lóc đen”.
Ông Nguyễn Văn Giàu, cùng ngụ địa phương, gắn bó với nghề nuôi cá lóc bông, cá lóc đen gần 15 năm. Năm 2020, ông Giàu nuôi 3 hầm cá lóc, mỗi hầm thu khoảng 10 tấn cá. Khoảng tháng 4.2020 là thời điểm thu hoạch, nhưng giá xuống thấp, ông Giàu kéo dài thời gian chăm sóc thêm để chờ giá. Tuy nhiên, chi phí mỗi ngày quá cao, giá cá lên 30.000 đồng/kg cũng không đủ bù chi phí, chất lượng cá cũng giảm, buộc ông phải bán.
“Với 3 hầm cá này tôi lỗ khoảng 50 triệu đồng, trước đó tôi cũng đã lỗ 200 triệu đồng. Dù đã gắn bó hơn chục năm với nghề nuôi cá, nhưng tôi vẫn quyết định lấp hầm, mở vựa thu mua ve chai, thu nhập không cao nhưng không sợ thất bát”- ông Giàu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tư cũng gắn bó với nghề nuôi cá lóc, ba ba nhiều năm liền, nhưng năm 2020 do lỗ quá nhiều nên ông hạn chế thả cá lóc, chuyển sang nuôi ba ba và đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng. “Mình đã gắn bó với nghề cá hàng chục năm trời, giờ không làm thì biết làm gì. Biết là có nguy cơ thất bát đó nhưng vẫn phải nuôi thôi”- ông Tư chia sẻ.
Ðể hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp đã triển khai nhiều giải pháp như kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài, để nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, ngành chức năng cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi trồng phù hợp và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Vũ Nguyệt
Xem thêm