Nắng nóng gay gắt, dễ phát sinh dịch bệnh thủy sản

16/05/2023 | 191 |
0 Đánh giá

Hiện, thời tiết trên địa bàn tỉnh Phú Yên nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, dễ phát sinh dịch bệnh.

Cơ quan thú ý ở Phú Yên giám sát dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Kim Sơ.

Cơ quan thú ý ở Phú Yên giám sát dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Kim Sơ.

Diện tích tôm bị dịch bệnh giảm

Ông Trần Văn Hào, một người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra rải rác tại các vùng nuôi trên địa bàn. Trong đó, một số diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Như gia đình ông Hào, vụ 1 vừa qua có một ao khoảng 3.000m2 nuôi được 30 ngày tôm bị chết do bệnh hoại tử gan tụy cấp, ước thiệt hại vài chục triệu đồng. Sau khi tôm nuôi bị chết, gia đình ông đã dùng các thuốc diệt khuẩn để khử trùng môi trường nước, nhằm hạn chế lây nhiễm ra môi trường bên ngoài và những vụ nuôi sau.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 20ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng bị bệnh, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số diện tích trên, tôm bị chết chủ yếu do bệnh hoại tử gan tụy cấp. Bên cạnh đó, 3,3ha cá mú nuôi bị bệnh hoại tử thần kinh bội nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng.

Cơ quan thú y Phú Yên lấy mẫu xét nghiệm bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: KS.

Cơ quan thú y Phú Yên lấy mẫu xét nghiệm bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: KS.

Về nguyên nhân thủy sản nuôi bị bệnh, ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, do thời tiết bất lợi cùng với vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, khiến môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt hơn. Trong khi hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, khó kiểm soát môi trường nên dịch bệnh phát sinh.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người nuôi chưa ý thức cao, chưa bảo vệ môi trường nuôi, không báo cáo cho cơ quan quản lý để xử lý ổ dịch khi dịch bệnh xảy ra theo quy định. Đối với ao nuôi tôm bị hoại tử gan tụy cấp, ông Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không được xả nước ra ngoài môi trường chưa qua xử lý.

Để phòng ngừa dịch bệnh, người nuôi nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, trong đó lưu ý thường xuyên giám sát tình hình sức khỏe tôm nuôi. Cùng với đó kiểm soát chế độ cho tôm ăn, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm đáy ao.

Ngoài ra, cần theo dõi điều chỉnh các yếu tố môi trường phù hợp, bổ sung thêm vitamin C và khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho tôm. Khi tôm có hiện tượng bị chết, người nuôi phải thông báo kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan thú y.

Nắng nóng, thủy sản nuôi dễ bị chết

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh bước vào mùa nắng nóng, đặc biệt xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài với mức nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy vật chất hữu cơ trong môi trường nuôi, nguy cơ cao xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi bị chết do sự cố môi trường.

Khi phát hiện tôm nuôi bị chết, người nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y. Ảnh: Kim Sơ.

Khi phát hiện tôm nuôi bị chết, người nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y. Ảnh: Kim Sơ.

Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài cũng sẽ làm thay đổi yếu tố thủy lý, thủy hóa nằm ngoài ngưỡng thích hợp của thủy sản nuôi, từ đó làm sức khỏe, sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, rất dễ phát sinh bệnh.

Trước tình hình trên, để phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo các hộ nuôi tôm nước lợ cần tuân thủ lịch thời vụ theo hướng dẫn của Sở NN- PTNT.

Bên cạnh đó lựa chọn mua con giống có chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm và phải được kiểm dịch theo đúng quy định. Đồng thời, tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất… vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh. Cũng như quản lý cho ăn tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nuôi.

Hạn chế việc thay, cấp nước vào ao nuôi trong thời điểm vùng nuôi đang có dịch bệnh xảy ra, chỉ thực hiện trong trường hợp cấp thiết. Nước cấp phải được xử lý mầm bệnh trước khi cấp vào ao nuôi.

Ngoài ra, các hộ nuôi phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra thông số môi trường ao nuôi để điều chỉnh các yếu tố môi trường nuôi trong ngưỡng thích hợp, không để biến động mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi.

Đối với tôm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường, dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, năm 2022, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt, do đó việc nuôi tôm nước lợ của người dân trên địa bàn khó khăn, xảy ra dịch bệnh. Theo đó, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh hơn 104ha, chiếm tỷ lệ 5% so với diện tích thả nuôi, tăng 70% so với năm 2021, trong đó, hơn 98ha bị hoại tự gan tụy cấp và gần 6ha bị đốm trắng.

KIM SƠ


Tin tức liên quan

Bình luận