Bổ sung bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng: chất lượng tôm cải thiện và chi phí rẻ hơn

06/03/2021 | 410 |
0 Đánh giá

Đánh giá khả năng bổ sung bí đỏ (Cucurbita Pepo) làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), nhóm nghiên cứu Lê Quốc Việt , Trần Minh Phú và Trần Ngọc Hải, Trường đại học Cần Thơ cho rằng, khi bổ sung 10% bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ thì chất lượng của tôm nuôi được cải thiện và chi phí sử dụng thức ăn thấp (37.262 đ/kg tôm thương phẩm).

 

Tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm như: tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn và có thể nuôi ở mật độ cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi.

Vấn đề cấp thiết hiện tại là lựa chọn mô hình nuôi và đối tượng nuôi thích hợp để đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình nuôi cải tiến được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn sinh học, nâng cao năng suất và thân thiện với môi trường được áp dụng như: thực hành nuôi tốt (GAP - good aquaculture practice), thực hành quản lý tốt (BMP - best management practice), nuôi an toàn sinh học (bio - security shrimp culture), nuôi có trách nhiệm, nuôi kết hợp và nuôi sinh thái.

Hiện nay, công nghệ biofloc được biết đến với nhiều ưu điểm vượt trội dựa vào sự phát triển cộng sinh của vi sinh vật ổn định môi trường, hạn chế hoặc rất ít thay nước. Các vi sinh vật hiếu khí trong hạt biofloc có vai trò duy trì chất lượng nước thông qua việc chuyển hóa amonium, tái sử dụng thức ăn dư thừa, giảm lượng TAN, nitrite, giảm lượng thức ăn sử dụng và đảm bảo an toàn sinh học.

Tuy nhiên, khi nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng siêu thâm canh thì tôm thường có màu đỏ nhạt sau khi luộc chín, do tôm không tổng hợp đầy đủ sắc tố, đặc biệt là astaxanthin. Trong nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Cladophoraceae), sau khi luộc chín tôm có màu đỏ đậm.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định lượng bí đỏ bổ sung thích hợp cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, đồng thời cải thiện màu sắc và chất lượng của tôm nuôi, góp phần xây dựng qui trình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.

Trong nghiên cứu, khi bổ sung bí đỏ vào khẩu phần ăn của tôm thì thành phần sinh hóa của tôm có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, nhưng khi bổ sung 20 và 30% bí đỏ thì ẩm độ của tôm tăng lên và khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng và bổ sung 10%. Ngược lại, khi bổ sung bí đỏ càng nhiều thì hàm lượng protein trong thịt tôm giảm dần và khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Khi bổ sung 10% bí đỏ vào khẩu phần ăn của tôm thì sinh khối của tôm nuôi được cải thiện (1,22 kg/m3 ) so với chỉ sử dụng thức ăn viên (1,04 kg/m3 ) và chi phí thức ăn cho 1 kg tôm thương phẩm cũng thấp nhất (37.261 đồng).

Việc bổ sung 10% bí đỏ cho tôm ăn thì màu sắc của tôm nuôi đậm hơn so với chỉ cho cho tôm ăn thức ăn viên. Tuy nhiên, thành phần sinh hóa của tôm khác biệt không ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể bổ sung 10% bí đỏ so với lượng thức ăn viên để cho tôm thẻ chân trắng ăn trong nuôi thương phẩm, nhằm cải thiện năng suất, màu sắc và làm giảm giá thành sản xuất.

N.Ngọc - Khoa học Phổ thông, 20/03/2019


Tin tức liên quan

Bình luận