Phân biệt 3 loài sinh vật: Vi khuẩn – Virus – Ký sinh trùng
Khi vật nuôi bị bệnh, mọi người thường nghĩ ngay tới “hung thủ” có thể là vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Các bệnh do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng xảy ra rất phổ biến, gặp ở mọi loại vật nuôi và biểu hiện các mức độ khác nhau từ nhẹ, thậm chí không có biểu hiện đến biểu hiện rất nặng.
Mặc dù chúng ta đã nghe không ít về vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng, tuy nhiên trên thực tế chúng đều không thể quan sát được bằng mắt thường, do vậy không dễ để hiểu tường tận về vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Vấn đề quan trọng là cần nắm được những điểm khác biệt cơ bản giữa vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng, từ đó phán đoán được tình trạng bệnh của vật nuôi và có hướng xử lý và điều trị hiệu quả.
Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng đều là những sinh vật rất nhỏ, gọi chung là vi sinh vật. Người nông dân vẫn hay dùng cách gọi “vi sinh” để chỉ những loại vi khuẩn có lợi, điều này không hoàn toàn đúng vì bản chất các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây bệnh cũng được gọi là vi sinh vật. Cách những sinh vật này truyền bệnh cho vật nuôi rất khác nhau, do đó cần phân biệt rõ để có thể xử lý và điều trị hiệu quả.
1. Vi khuẩn là gì ?
1.1. Khái niệm
Vi khuẩn (VK) là những sinh vật đơn bào, siêu nhỏ phát triển mạnh trong những môi trường khác nhau. Những sinh vật này có vai trò rất quan trọng đối với môi trường sống và sức khỏe con người.
VK là một vi sinh vật nhân sơ đơn bào có kích thước rất nhỏ; một số thuộc loại ký sinh trùng. VK là một nhóm sinh vật đơn bào, không phải thực vật hay động vật, có kích kích thước hiển vi và thường có cấu trúc tế bào đơn giản không có nhân, bộ khung tế bào và các bào quan như ty thể và lục lạp.
Một số loài vi khuẩn (nguồn: manhcam.net)
VK là nhóm hiện diện đông đảo nhất trong sinh giới. Chúng hiện diện khắp nơi trong đất, nước, chất thải phóng xạ, bên trong những sinh vật khác. VK được cho là sinh vật đầu tiên xuất hiện trên trái đất, khoảng 4 tỷ năm trước. Hóa thạch lâu đời nhất được biết đến là của các sinh vật giống như VK. Một gram đất thường chứa khoảng 40 triệu tế bào VK. Một mililit nước ngọt thường chứa khoảng một triệu tế bào VK. Trái đất được ước tính chứa ít nhất 5 tỷ vi khuẩn và phần lớn sinh khối của trái đất được cho là tạo thành từ VK.
Khi nhắc đến VK, người ta nghĩ ngay đến loài vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, nhiều loại VK được sử dụng phục vụ cho một mục đích hữu ích. Chúng hỗ trợ nhiều dạng sống, cả thực vật và động vật, và chúng được sử dụng trong các quy trình nông nghiệp, công nghiệp và dược phẩm.
Vi khuẩn Rhodopseudomonas palustris được sử dụng rất nhiều trong nông nghiệp
1.2. Phân loại vi khuẩn
Có nhiều loại VK khác nhau. Một cách phân loại chúng là theo hình dạng:
Cầu khuẩn: là những VK có hình cầu, nhưng cũng có thể là hình bầu dục hoặc ngọn nến, cầu khuẩn được gọi là cocci, có đường kính trung bình khoảng 1 μm. Cầu khuẩn được chia thành:
- Song cầu (Diplococci): là những cầu khuẩn đứng thành từng đôi như phế cầu (Streptococcus pneumoniae), lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae).
- Liên cầu khuẩn (Streptococci): là những cầu khuẩn đứng thành chuỗi.
- Tụ cầu (Staphylococci): là những cầu khuẩn đứng thành từng đám như chùm nho như tụ cầu vàng.
Trực khuẩn: Là tên chung của tất cả VK có hình que, kích thước của chúng thường từ 0,5-1,0-4 μm.
Xoắn khuẩn: Là tên gọi của những VK có hai vòng xoắn trở lên, kích thước thay đổi 0,5-3-5-40 μm. Xoắn khuẩn đa số thuộc loại hoại sinh, một số rất ít có khả năng gây bệnh.
1.3. Hình thái và cấu trúc
Tế bào vi khuẩn khác với tế bào thực vật và động vật. VK là prokaryote, có nghĩa là chúng không có nhân.
Hình thái và cấu trúc của tế bào vi khuẩn (nguồn: internet)
Một tế bào VK bao gồm:
- Thành tế bào: Lớp ngoài cùng bao bọc VK, giữ cho chúng có hình dạng nhất định. Thành tế bào có những chức năng sinh lý quan trọng như duy trì hình thái, áp suất thẩm thấu bên trong tế bào, bảo vệ tế bào trước những tác nhân vật lý hóa học, thực hiện việc tích điện ở bề mặt tế bào. Dựa vào tính chất hoá học và khả năng bắt màu nhuộm mà người ta chia ra VK Gram – và Gram +
- Vỏ nhầy: Một số VK có lớp bao bên ngoài thành tế bào được gọi là vỏ nhầy, đây là lớp bảo vệ VK tránh bị thực bào bởi bạch cầu, ngoài ra đây còn là nơi dự trữ chất dinh dưỡng. Thành phần hóa học của vỏ nhầy quyết định tính kháng nguyên của VK.
- Màng tế bào chất: Là lớp màng nằm dưới thành tế bào, còn được gọi với tên màng sinh chất, màng có độ dày 4-5nm, chiếm 10-15% trọng lượng tế bào VK. Màng tế bào chất có nhiều chức năng quan trọng: duy trì áp suất thẩm thấu, đảm bảo chủ động tích lũy chất dinh dưỡng, thải các sản phẩm của quá trình trao đổi chất.
- Tế bào chất: Thành phần chính của tế bào VK, chứa vật liệu di truyền và ribosome
- Ribosome: Nơi tổng hợp protein tế bào, chủ yếu là ARN và protein
- Thể nhân: VK chưa có màng nhân, thể nhân VK chỉ gồm 1 nhiễm sắc thể hình vòng do một phân tử ADN cấu tạo nên, chứa các thông tin di truyền thiết yếu của VK.
- Tiêu mao, nhung mao: Tiêu mao là cơ quan di động của VK, không phải tất cả VK đều có tiêu mao. Nhung mao là những sợi lông mọc khắp bề mặt của một số VK, giúp chúng dễ dàng bám vào giá thể, tăng diện tích tiếp xúc với thức ăn.
1.4. Dinh dưỡng của vi khuẩn
Dựa vào hình thức dinh dưỡng mà VK được chia thành 2 loại chính là VK tự dưỡng và VK dị dưỡng, trong đó lại chia tiếp thành 2 loại chính là quang năng và hóa năng, và ttrong đó lại tiếp tục chia ra làm vô cơ và hữu cơ, cụ thể như bảng sau:
Bảng so sánh các loại hình dinh dưỡng của vi sinh vật
Loại hình dinh dưỡng | Nguồn năng lượng; Hydrogen; điện tử; Carbon | Đại diện |
Tự dưỡng quang năng vô cơ (photolithoautotrophy) | Quang năng; H2, H2S, S hoặc H2O; CO2 | VK lưu huỳnh, màu tía,màu lục; Vi khuẩn lam. |
Tự dưỡng hoá năng vô cơ (chemolithoauto-trophy) | Hoá năng (vô cơ); H2, H2S, Fe2+, NH3, hoặc NO2–, CO2 | VK oxy hoá S, vi khuẩn hydrogen, vi khuẩn nitrát hoá, vi khuẩn oxy hoá sắt. |
Dị dưỡng quang năng hữu cơ (photoorganohetero-trophy) | Quang năng; Chất hữu cơ | VK phi lưu huỳmh màu tía, màu lục. |
Dị dưỡng hoá năng hữu cơ (chemoorganohetero-trophy) | Hoá năng (hữu cơ); Chất hữu cơ | Động vật nguyên sinh, nấm, phần lớn các vi khuẩn không quang hợp (bao gồm cả các vi khuẩn gây bệnh). |
(Nguồn: Bảo Nam đăng trên acc-biotech.com)
1.5. Hình thức sinh sản
Hình thức sinh sản chủ yếu của VK là nhân đôi tế bào, từ một tế bào mẹ phân cắt tạo thành 2 tế bào con. Từng loài VK có tốc độ sinh trưởng khác nhau, trung bình cứ 10-30 phút lại tạo ra một thế hệ. Ngoài ra VK còn có hình thức sinh sản hữu tính thông qua hình thức tiếp hợp giữa hai tế bào.
2. Virus là gì ?
2.1. Khái niệm
Virus (VR) là ký sinh trùng siêu nhỏ, thường nhỏ hơn nhiều so với vi khuẩn. Chúng thiếu khả năng phát triển và sinh sản bên ngoài cơ thể vật chủ. Phần lớn virus là nguyên nhân gây bệnh. Thế giới đã trải qua sự bùng phát dịch Ebola năm 2014 ở Tây Phi, đại dịch cúm lợn năm 2009. Và hiện nay là đại dịch Covid-19 đang gây nguy hiểm cho tất cả mọi người.
Một số loài virus (nguồn: internet)
2.2. Phân loại virus
Có nhiều cách để phân loại. Theo hình thể, theo tầm quan trọng hoặc triệu chứng lâm sàng. Hiện nay có hai cách phân loại còn được sử dụng:
2.2.1. Phân loại theo triệu chứng học.
Cách phân loại cổ điển theo khả năng gây bệnh, nó thuận lợi cho lâm sàng nhưng thường không chính xác, bởi vì một loài có thể gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng, ngược lại một bệnh cảnh lâm sàng cũng có thể do nhiều loài gây nên.
- Virus gây bệnh phổ biến: virus đi qua đường máu gây phát ban ngoài da: bệnh đậu mùa, đậu bò, bệnh sởi, rubella, sốt vàng, sốt xuất huyết, bệnh do virus đường ruột.
- Bệnh hệ thống thần kinh: bệnh bại liệt, bệnh do Coxsackie, ECHO, dại, viêm não, Herpes simplex, sởi, đậu, nhiễm trùng chậm.
- Bệnh ở đường hô hấp: cúm, á cúm, hợp bào, adenovirus.
- Gây bệnh khu trú ở da, cơ, niêm mạc: Herpes simplex týp 1 gây bệnh quanh niêm mạc miệng, týp 2 gây bệnh ở niêm mạc đường sinh dục, Herpangina, zona.
- Gây bệnh ở mắt: adenovirus, Newcastle, Herpes, đau mắt đỏ thành dịch do Enterovirus týp 70.
- Gây bệnh ở gan: loài gây viêm gan A, B, C, D, E; Herpes, Rubella.
- Gây viêm dạ dày, ruột: Rotavirus, Norwalkvirus.
- Lây lan qua đường tình dục: HIV, Cytomegalovirus, HPV – Papillioma, Herpes, HBV.
Cách phân loại này dễ nhớ và bước đầu chỉ được đường lây truyền nên có thể phòng bệnh và xử lý chất thải hợp lý.
Tuy vậy một loài có thể gây nhiều bệnh cảnh lâm sàng, một bệnh cảnh lâm sàng có thể do nhiều loài gây ra, do vậy cách phân loại này là không chính xác.
2.2.2. Phân loại theo cấu trúc và các đặc điểm hóa sinh học.
Bảng phân loại theo cấu trúc và đặc điểm sinh hóa (nguồn: phòng khám Phú Cường)
Cách phân loại này rất chính xác nhưng khó nhớ và chỉ cho thấy các họ virus mà không biết được “thủ phạm” gây các bệnh cụ thể.
2.3. Hình thái và cấu trúc
Virus có nhiều hình thể khác nhau: hình cầu, hình khối, hình sợi, hình que, hình chùy, hình khối phức tạp. Hình thể mỗi loại rất khác nhau nhưng luôn ổn định đối với từng loại. Tùy theo cách sắp xếp của acid nucleic và capsid chia làm hai loại đối xứng:
- Đối xứng hình xoắn ốc: acid nucleic và các capsomer được sắp xếp dọc theo hình lò xo đều hay không đều.
- Đối xứng hình khối: khi các capsomer được sắp xếp thành các hình khối cầu đa diện.
- Một số loài có thể sắp xếp đối xứng khối và đối xứng xoắn trên từng phần. Cách đối xứng này là đối xứng phức tạp.
Mô phỏng cấu trúc của virus (nguồn: phòng khám Phú Cường)
Virus có cấu trúc rất đơn giản, không có enzym hô hấp và enzym chuyển hóa, vì vậy bắt buộc phải ký sinh trong tế bào cảm thụ.
2.3.1. Cấu trúc cơ bản.
Cấu trúc cơ bản còn được gọi là cấu trúc chung. Cấu trúc cơ bản bao gồm hai thành phần chính mà mỗi virus đều phải có:
Acid nucleic (AN).
Mỗi loại virus đều phải có một trong hai acid nucleic: ARN (acid ribonucleic) hoặc ADN (acid deoxyribonucleic). Những loại có cấu trúc ADN phần lớn đều mang ADN sợi kép. Ngược lại, loại mang ARN thì chủ yếu ở dạng sợi đơn.
Các acid nucleic (AN) chỉ chiếm từ 1% tới 2% trọng lượng của hạt virus nhưng có chức năng đặc biệt quan trọng:
- AN mang mọi mật mã di truyền đặc trưng cho từng loài.
- AN quyết định khả năng gây nhiễm trùng trong tế bào cảm thụ.
- AN quyết định chu kỳ nhân lên trong tế bào cảm thụ.
- AN mang tính bán kháng nguyên đặc hiệu.
Thành phần capsid.
Capsid là cấu trúc bao quanh acid nucleic. Bản chất hóa học của capsid là protein. Capsid được tạo bởi nhiều đơn vị capsid bao gồm các phân tử protein có sắp xếp đặc trưng cho từng loài. Các đơn vị capsid đó được gọi là các capsomer.
Cùng với phần “lõi” AN, phần “vỏ” capsid của virus có thể sắp xếp đối xứng xoắn, đối xứng khối hoặc đối xứng phức hợp. Cấu trúc capsid có chức năng quan trọng:
- Bao quanh AN để bảo vệ không cho enzym nuclease và các yếu tô” phá hủy AN khác.
- Protein capsid tham gia vào sự bám vào những vị trí đặc hiệu của tế bào cảm thụ (với các loại không có bao envelop).
- Protein capsid mang tính kháng nguyên đặc hiệu. Capsid giữ cho hình thái và kích thước luôn được ổn định.
2.3.2. Cấu trúc riêng.
Cấu trúc riêng còn được gọi là cấu trúc đặc biệt, chỉ có ở một số loài nhất định để thực hiện những chức năng đặc trưng cho loại đó.
Cấu trúc bao ngoài (envelop):
- Một số loài bên ngoài lớp capsid còn bao phủ một lớp bao ngoài, được gọi là envelop.
- Bản chất hóa học của envelop là một phức hợp: protein, lipid, carbohydrat, nói chung là lipoprotein hoặc glycoprotein. Nếu chỉ có màng thì đó là lớp dilipid. Nêu có thêm gai nhú (spike) thì đó là glycoprotein.
- Trên bao ngoài của một số loài có những núm lồi lên, mang những chức năng riêng biệt.
- Chức năng riêng của envelop: Tham gia vào sự bám trên các vị trí thích hợp của tế bào cảm thụ. Ví dụ: gpl20 của HIV hoặc hemagglutinin cúm. Tham gia vào giai đoạn lắp ráp và giải phóng virus ra khỏi tế bào sau chu kỳ nhân lên.
Envelop tham gia vào hình thành tính ổn định kích thưốc và hình thái. Tạo nên các kháng nguyên đặc hiệu trên bề mặt virus. Một số kháng nguyên này có khả năng thay đổi cấu trúc.
Enzym.
Trong thành phần cấu trúc có một số enzym, đó là những enzym cấu trúc, chúng gắn với cấu trúc của hạt virus hoàn chỉnh. Các enzym cấu trúc có thể gặp:
- Neuraminidase, ADN hoặc ARN polymerase, men sao chép ngược (Reverse transcriptase).
- Mỗi enzym cấu trúc có những chức năng riêng trong chu kỳ nhân lên trong tế bào cảm thụ và chúng cũng mang tính kháng nguyên riêng, đặc hiệu ở mỗi loài.
2.4. Dinh dưỡng của virus
Hầu hết tất cả các loại virus đều cần năng lượng (ATP) để hoạt động, tuy nhiên chúng lại sử dụng ATP của tế bào sản xuất, thậm chí là sử dụng protein của tế bào vật chủ. Virus không cần các chất dinh dưỡng nào khác để duy trì hoạt động của chúng, tất cả những gì virus cần chỉ là năng lượng (thậm chí một số loài còn không cần năng lượng), và năng lượng đó được lấy trực tiếp từ vật chủ mà nó kí sinh.
2.5. Hình thức sinh sản
Virus là một loại ký sinh trùng nhỏ không thể tự sinh sản. Tuy nhiên, một khi virus lây nhiễm vào một tế bào nhạy cảm, nó có thể điều khiển bộ máy tế bào tạo ra nhiều virus hơn. Hầu hết các virus có RNA và DNA là vật liệu di truyền của chúng. Acid nucleic có thể là chuỗi đơn hoặc chuỗi kép. Toàn bộ hạt virus truyền nhiễm được gọi là virion, bao gồm acid nucleic và vỏ ngoài của protein.
Virus không chứa ribosome vì thế chúng không thể tạo ra protein. Điều này làm cho nó hoàn toàn phụ thuộc vào vật chủ ký sinh. Chúng là loài sinh vật duy nhất không thể sinh sản mà không có tế bào vật chủ.
Những quần thể virus – do là những thực thể vô bào – nên không thể tăng trưởng thông qua sự phân chia tế bào. Thay vào đó, chúng sử dụng bộ máy và hệ trao đổi chất của tế bào vật chủ để tạo ra rất nhiều bản sao của chính chúng, và tự lắp ráp ở bên trong đó.
Một chu trình nhân lên điển hình của virus (nguồn: Wiki)
3. Ký sinh trùng là gì ?
3.1. Khái niệm
Ký sinh trùng là những sinh vật muốn tồn tại phải sống nhờ vào sinh vật đang sống khác như con người, động vật và thực vật. Những sinh vật bị ký sinh gọi là vật chủ. Ký sinh trùng sẽ chiếm sinh chất của vật chủ để tồn tại và phát triển.
Ký sinh trùng thường có kích thước khá lớn, một số loại có thể nhìn thấy bằng mắt thường như sán dây, sán lá gan.
Tôm bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, có thể thấy bằng mắt thường (nguồn: ViBo)
3.2. Phân loại
Không có dạng phân loại cụ thể, nhưng dựa trên hình thức ký sinh, ta có thể tạm phân loại như sau:
- Ký sinh hoàn toàn: còn gọi là ký sinh bắt buộc suốt đời như giun đũa, giun tóc, giun móc.
- Ký sinh không hoàn toàn: là hình thức ký sinh tạm thời, lúc ký sinh, lúc tự do sinh côn trùng hút máu.
- Nội ký sinh: là hình thức ký sinh bên trong cơ thể vật nuôi như sán dây, sán lá gan,…
- Ngoại ký sinh là hình thức ký sinh bên ngoài cơ thể như bám vào da hay hút máu qua da.
Ký sinh trùng có thể chỉ ký sinh trên một loài vật chủ nhất định, nếu lạc chỗ chúng sẽ không tồn tại được như giun đũa. Hoặc ký sinh trùng có khả năng ký sinh và phát triển trên nhiều vật chủ khác nhau như sán lá phổi, sán lá gan,…
3.3. Hình thái và cấu trúc
3.3.1. Đặc điểm hình thể
Tùy theo từng loại kí sinh trùng mà chúng có những đặc điểm hình thái khác nhau. Đặc điểm hình thái bao gồm: hình dạng và kích thước. Các kí sinh trùng thuộc loại có một tế bào thì có những điểm đặc trưng của tế bào, nhưng không thuần nhất. Có loại có hình thể tương đối tròn như amip, có loại hình cái thìa, có loại hình thoi như các loại trùng roi.
Bản thân một kí sinh trùng sốt rét trong quá trình sống, kích thước và hình dạng của nó luôn thay đổi tùy theo vào từng giai đoạn phát triển trong chu kì của nó
3.3.2. Về hình dạng
Ví dụ như kí sinh trùng sốt rét khi ở muỗi thì chúng có hình hoi, khi mới vào hồng cầu thì có hình nhẫn, thể phân liệt có hình hoa thị nhiều cánh, còn thể giao bào thì có hình như lưỡi liềm. Đôi khi hình thể của kí sinh trùng ở các giai đoạn phát triển có thể khác biệt hoàn toàn so với ban đầu của nó. Việc thay đổi hình dạng của kí sinh trùng có ý nghĩa: giúp nó thích nghi với các điều kiện sống, có khả năng tránh các đáp ứng miễn dịch của cơ thể hay một số yếu tố tấn công nào đó
3.3.3. Về kích thước
Các loài khác nhau có kích thước to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Kí sinh trùng sốt rét có kích thước nhỏ nhất cỡ khoảng 3-4µm, sán lá với chiều dàu một vài cm, giun đũa thì con cái khoảng 20-22 cm, con đực khoảng 16-18cm, sán dây có chiều dài là 10m. không những có sự khác biệt về kích thước tùy theo chủng loại mà ngay trong một loại kí sinh trùng độ dao động của kích thước cũng có thể rất lớn, tùy thuộc vào từng giai đoạn của chu kì. Ví dụ nhu sán dây trưởng thành có thể dài 7-8m, nhưng ấu trùng của nó thì chỉ có kích thước là 2-3mm.
3.3.4. Về cấu tạo cơ quan
Do đặc điểm về phương cách sống ăn bám, các cơ quan cấu tạo nên kí sinh trùng rất phù hợp với đời sống kí sinh. Trải qua nhiều thế hệ, nhờ vào những thay đổi về di truyền và biến dị mà các cơ quan của chúng đã tiếp thu được nhiều đặc điểm thích nghi với hoàn cảnh sống kí sinh.
Một số bộ phận cơ thể kí sinh trùng không cần thiết cho hoạt động sống của nó thì thoái hóa, tiêu giảm, hoặc mất đi hoàn toàn. Ví dụ sán lá do sống ở trong đường tiêu hóa cơ thể người, có sẵn nguồn thức ăn chọn lọc, nên không cần có bộ máy tiêu hóa hoàn chỉnh mà chỉ là những ống đơn giản, không có đường thải bã, không có lỗ hậu môn. Giun sán nói chung không có cơ quan vận động đặc biệt, cũng không có các giác quan hoàn chỉnh.
Do cách sống kí sinh, kí sinh trùng cần thiết phải dần hoàn thiện những cơ quan đặc biệt, đảm bảo cho cuộc sống ăn bám thuận lợi tối đa. Đó là những cơ quan thực hiện các nhiệm vụ như: bám dính trên cơ thể vật chủ, tìm kiếm vật chủ, chiếm thức ăn vật chủ, giúp sinh sản dễ dàng trong các điều kiện. Ví dụ như muỗi, chúng có khả năng phân tích giác quan đặc biệt nên dễ dàng tìm được vật chủ, phần đầu chân muỗi có các túi bám giúp cho muỗi đậu vào vật chủ, vòi muỗi có những tuyến tiết ra những chất chống đông máo và có bộ phân giúp máu chảy vào muỗi dễ dàng hơn.
3.4. Dinh dưỡng của ký sinh trùng
Cũng giống như virus, ký sinh trùng bám dính vào vật chủ và sử dụng toàn bộ dinh dưỡng của vật chủ.
3.5. Hình thức sinh sản
Có nhiều hình thức sinh sản để duy trì nòi giống, tùy từng loài có những phương thức sinh sản khác nhau:
- Sinh sản vô tính bằng cách nhân đôi tế bào. Với phương thức này, một cá thể sẽ tự nhân đôi thành hai cá thể mới mà không có sự giao phối giữa con đực và con cái. Thường gặp ở các ký sinh trùng đơn bào như trùng roi, amip, ký sinh trùng sốt rét,…
- Sinh sản hữu tính: là hình thức sinh sản thực hiện bằng sự giao phối giữa con đực và con cái như giun đũa, giun móc, giun kim,… Ngoài ra, có những loài ký sinh trùng lưỡng giới, trên cơ thể chúng có cả bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái để giao phối như sán lá gan, sán dây,…
- Sinh sản đa phôi: từ kết quả của sinh sản hữu tính, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng phát triển thành nang ấu trùng. Sau đó, trong nang ấu trùng có rất nhiều mầm sinh ra ấu trùng thế hệ thứ hai, ấu trùng thế hệ hai lại sinh ra các ấu trùng thế hệ thứ ba. Các ấu trùng thế hệ thứ ba khi gặp vật chủ thích hợp sẽ phát triển thành sán trưởng thành. Đây là hình thức sinh sản đặc biệt thường thấy ở một số loài sán lá và sán dây, từ một trứng ban đầu sẽ phát triển thành rất nhiều sán trưởng thành.
4. Tóm lại
Phân biệt vi khuẩn – virus – ký sinh trùng dựa trên bảng sau:
So sánh | Vi khuẩn (VK) | Virus (VR) | Ký sinh trùng (KST) |
Kích thước | Nhỏ, một số loài VK nhỏ hơn KST. | Nhỏ nhất, nhỏ hơn cả VK. | Đa dạng, có loại nhìn thấy được bằng mắt thường. |
Lợi hay hại ? | Đa phần có lợi, dùng sai sẽ có hại. | Đa phần có hại, chủ yếu là gây bệnh. | Vừa lợi vừa hại. |
Dinh dưỡng | Tự dưỡng và dị dưỡng (quang năng và hóa năng – vô cơ và hữu cơ). | Năng lượng ATP lấy từ vật chủ. | Toàn bộ dinh dưỡng từ vật chủ. |
Cấu trúc |
|
|
Cấu trúc phức tạp và biến động tùy theo môi trường ký sinh. |
Hình thức sinh sản | Vô tính (tự nhân đôi tế bào). | Cấp số nhân cá thể. | vô tính, hữu tính, đa phôi. |
Điều trị | Có thể dùng vắc-xin để phòng ngừa, dùng kháng sinh để tiêu diệt hoặc dùng các loại VK khác mạnh hơn để áp chế. |
|
Có thể dùng thuốc đặc trị để tiêu diệt ký sinh trùng, hoặc dùng những chế phẩm sinh học khác để áp chế và loại bỏ KST ra khỏi vật chủ và tiêu diệt KST bằng hóa chất mạnh. |
Xem thêm