Vì sao ngành thủy sản vẫn chưa được EU gỡ thẻ vàng IUU?

16/06/2021 | 319 |
0 Đánh giá

"Nếu không làm tốt việc quản lý đội tàu thì rất khó có thể gỡ được thẻ vàng, thậm chí là bị thẻ đỏ. EU cho biết nếu còn tàu vi phạm thì không nói đến chuyện gỡ thẻ vàng", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Sau gần 4 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) chính thức rút thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp.

Cùng thời điểm cuối năm 2017 có 21 quốc gia rút thẻ vàng, 6 quốc gia bị rút thẻ đỏ. Đến nay, chỉ còn 3 quốc gia chưa gỡ được thẻ đỏ, 7 quốc gia chưa gỡ được trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với người viết, Thứ trưởng Bộ NN&PNT Phùng Đức Tiến cho biết không ít cá nhân khai thác hải sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, không gắn thiết bị giám sát hành trình… khiến việc gỡ thẻ vàng vẫn gian nan.

Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm xảy ra 32 vụ tàu đánh bắt trái phép với tổng 56 tàu, 446 người vi phạm.

"Nếu không làm tốt việc quản lý đội tàu thì rất khó có thể gỡ được thẻ vàng, thậm chí là bị thẻ đỏ. EU cho biết nếu còn tàu vi phạm thì không nói đến chuyện gỡ thẻ vàng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Bên cạnh đó, EU sẽ thanh tra việc đánh bắt hải sản ở bất kỳ vùng biển, kinh độ, vĩ độ, thời gian nào. Đồng thời, đối tác sẽ đánh giá quy trình phân loại, chế biến, bảo quản, thị trường xuất khẩu và lưu kho. Để đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, hạ tầng cảng biển, nguồn nhân lực vẫn là bài toán khó.

Vì sao ngành thủy sản vẫn chưa được EU gỡ thẻ vàng IUU? - Ảnh 1.

Hệ thống cảng cá xuống cấp, quản lý tàu kém khiến việc gỡ thẻ vàng IUU khó khăn (Ảnh: Biển đảo)

Theo Thứ trưởng, để gỡ được thẻ vàng IUU, việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật đóng vai trò quan trọng. Việt Nam đã tranh thủ ý kiến của EU trong Luật Thủy sản 2017, các điều khoản EU thấy cần thiết và Việt Nam mong muốn xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, không khai thác tận diệt và tận dụng tối đa.

Mặt khác, có một số điểm EU chưa đồng thuận cao, ví dụ mức phạt. Song, mức phạt vi phạm IUU gắn với hoàn cảnh lịch sử và điều kiện kinh tế Việt Nam, Việt Nam cho là hợp lý.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật, thông tin tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, chống khai thác hải sản bất hợp pháp được triển khai rộng nhưng việc xử lý vi phạm ở các địa phương chưa đồng bộ, làm cho công tác quản lý đội tàu càng thêm phức tạp.

"Để gỡ được thẻ vàng thì 4 yếu tố trên phải triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh thành có biển. Nếu giải quyết đượ 4 vấn đề này thì trong thời gian không xa thì chúng ta sẽ được EC gỡ thẻ vàng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương cơ cấu lại lượng tàu đánh bắt thủy hải sản từ 110.000 nghìn tàu giảm xuống còn gần 94.600 tàu. Tuy nhiên, với số lượng tàu hiện tại, cường độ khai thác vẫn quá lớn so với trữ lượng hải sản của Việt Nam.

Do đó, trong thời gian tới, thực hiện Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát và giao hạn ngạch, giảm cả công suất, số lượng, đặc biệt là vùng động và bờ, và tăng cường vùng khơi để vừa khai thác được thủy sản hiệu quả vừa đảm bảo được quốc phòng an ninh.

Như vậy, việc gỡ thẻ vàng IUU không phải là chuyện sớm chiều. Do đó, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tăng cường nuôi sản lượng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khi Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thuê quan từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Trao đối với người viết, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện nay EC rút thẻ vàng IUU với khai thác thủy hải sản khai thác. Trong khi, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản nuôi trồng như tôm, cá tra... sang thị trường châu Âu.

"Để giải bài toán thẻ vàng IUU, giảm lượng hải sản khai thác, Bộ cũng có đề án thúc đẩy nuôi thủy hải sản trên biển và đẩy mạnh xuất khẩu thủy hải sản nuôi trồng vào các thị trường có FTA.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề chế biến thủy sản xuất khẩu. Thay vì xuất khẩu tôm, cá tra ở dạng ướp đá thì các sản phẩm chế biến từ tôm, thăn cá tra sẽ có giá trị gia tăng cao hơn", ông Hòa nói.

HOÀNG ANH


Tin tức liên quan

Bình luận