Triển vọng tăng trưởng cao
Xuất khẩu thủy sản năm 2020 gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hạn chế giao thương. Tuy nhiên ngành tôm trở thành điểm sáng với giá trị đạt 3,73 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2019 và chiếm 45% trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Mặt hàng tôm đã xuất khẩu đến 135 thị trường và có tới 508 doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường lớn giữ được mức độ tăng trưởng khả quan như Mỹ tăng 33%, EU tăng 6,1% hay Anh tăng 20,1%...
Xuất khẩu tôm Việt năm 2020 tăng 11% và dự kiến tăng tiếp 15% trong năm 2021. |
Kết quả đạt được theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) là nhờ tận dụng tốt lợi thế từ các FTA ở những thị trường lớn, doanh nghiệp tăng thị phần trong bối cảnh nguồn cung và nhu cầu tôm trên thế giới chịu tác động từ Covid-19.
Triển vọng ngành vẫn tích cực khi Tổng thư ký VASEP ông Trương Đình Hòe dự báo xuất khẩu tôm có thể đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% do nhu cầu trên thế giới tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Mục tiêu chung của ngành tôm là chậm nhất đến năm 2025 có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn cho biết với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam theo đó có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.
Loạt doanh nghiệp xây nhà máy mới
Trước mục tiêu lớn cùng những điều kiện thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành tôm cũng đang mở rộng kinh doanh với nhiều nhà máy và vùng nuôi lớn được ra đời.
Đầu năm 2021, Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An (tỉnh Tiền Giang) có công suất 50 tấn tôm thành phẩm/ngày và kho lạnh công suất 3.000 tấn, tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Bên cạnh nhà máy An An, công ty còn xây dựng vùng nuôi 200 hecta tại huyện Ba Tri (Bến Tre) để chủ động và kiểm soát tôm nguyên liệu cho nhà máy. Các dự án mới giúp Thuận Phước lọt vào top 5 công ty tôm hàng đầu Việt Nam.
Nha Trang Seafood – F17 (NTSF) cũng "nam tiến" như Thuận Phước. Công ty có nhà máy chế biến tôm và cá tra ở Thốt Nốt, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng (tỉnh Bạc Liêu) với công suất 10.000 tấn/năm.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) có kế hoạch cuối quý I sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đồng thời Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy chế biến tôm ở tỉnh Kiên Giang.
Thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hải) đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến cho cả 3 nhà máy tại Bạc Liêu. Công ty Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (Cases) đã làm mới nhà máy chế biến sâu và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.
Hàng loạt doanh nghiệp tôm đang đẩy nhanh xây dựng nhà máy và vùng nuôi cho thời kỳ mới. |
Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) tranh thủ thời cơ với việc xây dựng 2 nhà máy chế biến tôm trong Khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng), thi công đồng thời từ năm 2020 với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Năm 2020, Sao Ta ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 20% và nhà máy đã hoạt động gần hết ngưỡng công suất chế biến. Do đó công ty đầu tư mới nhằm tạo ra sự đột phá khi các nhà máy dự kiến đi vào vận hành từ năm 2022.
Theo Chủ tịch Fimex Hồ Quốc Lực, ngành tôm Việt tổng thể đang bước vào giai đoạn thiên thời - địa lợi - nhân hòa và thời gian tới đây là cơ hội vàng cho ngành bứt phá. Thiên thời là Covid-19 giúp tôm Việt có cơ hội bứt phá do các đối thủ lớn như Ấn Độ, Ecuador… đang khó khăn. Địa lợi là các mắt xích chuỗi giá trị con tôm đang chung tay chia sẻ tốt nhất so với trước đây và trên đà tiến triển. Nhân hòa là Chính phủ, lãnh đạo ngành ngày càng quan tâm hơn con tôm, có sự đầu tư và hỗ trợ kịp thời.
Sao Ta đã xây dựng chiến lược phát triển 2021-2025, xem đây là giai đoạn bứt phá. Các giải pháp như hình thành thêm doanh nghiệp mới ở mảng chế biến nông thủy sản, xây dựng thêm cùng lúc 2 nhà máy chế biến, tiếp tục mở rộng vùng nuôi nhằm tăng tỷ lệ chủ động nguyên liệu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường…
Xem thêm