Tàu chắn ngang kênh Suez, doanh nghiệp Việt 'nín thở'
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đang đe dọa tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam và càng kéo dài thì thiệt hại cho doanh nghiệp càng lớn.
May mắn, lãnh đạo ngành dầu khí cho hay tàu chở dầu cho Việt Nam cơ bản không bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng xuất khẩu, lo tăng chi phí
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đang đe dọa tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam và càng kéo dài thì thiệt hại cho doanh nghiệp càng lớn.
Châu Âu là một trong ba thị trường thủy sản quan trọng của Việt Nam, với doanh số trên 1 tỉ USD mỗi năm. Vì vậy, bất cứ sự cố nào trong chuỗi cung ứng này đều ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của VN.
Với mặt hàng thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam là bên lo đặt tàu chở hàng cho đối tác nên sẽ càng thêm khó và chi phí tăng lên. Ở chiều ngược lại, tắc nghẽn kênh đào Suez cũng làm cho lượng container rỗng về Việt Nam trở nên khan hiếm hơn.
"Tình hình giá thuê container rỗng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới vẫn ở mức rất cao và khan hiếm. Cộng với sự tắc nghẽn ở kênh đào Suez có thể tiếp tục dẫn tới giá cước vận chuyển còn tăng lên trong thời gian tới. Đây sẽ là điều rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tại châu Âu lại bùng phát và một số quốc gia đã hạn chế nhập khẩu".
Cũng theo ông Hòe, nếu sự cố ở Suez không được giải quyết sớm, các hãng tàu buộc phải chuyển hải trình đi qua châu Phi, thời gian tăng lên ít nhất 1 tuần lễ. Theo đó, giá cước vận tải chắc chắn sẽ tăng lên.
Bốc dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức (TP. HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Hàng đi Mỹ trễ ít nhất một tuần
Sự cố kênh đào Suez phải đóng cửa vì tàu Ever Given bị mắc cạn sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ, trong đó thị trường hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt với các chuyến hàng xuất sang châu Âu và bờ đông Hoa Kỳ. Dự kiến thời gian cho các chuyến hàng sẽ kéo dài thêm ít nhất từ 1 đến 2 tuần, do tàu hàng phải đi đường vòng.
Theo thông báo mới nhất của Hãng tàu Maersk gửi đến khách hàng, các tàu hàng của hãng này đi qua kênh Suez sẽ tiếp tục bị khóa cả hai chiều ít nhất trong 4-6 ngày tới. Trong khi các nỗ lực giải cứu con tàu bị kẹt đang diễn ra, hiện hãng tàu này đang có 22 tàu đang chờ đi qua kênh này và 4-5 tàu khác tiếp tục đến điểm này trong ngày 27-3.
Do đó, hãng này quyết định sẽ không chờ kênh Suez thông nữa mà các tàu sẽ đi vòng xuống mũi Hảo Vọng rồi đánh ngược lên các cảng của Mỹ, chuyến hàng vì thế sẽ cập bến trễ ít nhất một tuần (dự kiến có thể trễ đến 10-14 ngày) so với kế hoạch.
Theo các doanh nghiệp logisctis Việt Nam, hiện nay việc kẹt kênh đào Suez sẽ khiến tàu container chạy tuyến châu Á - châu Âu bị ảnh hưởng, vì tàu chạy tuyến Á - Âu đi qua kênh đào này. Không những thế, việc vận chuyển hàng hóa đi Mỹ cũng bị vạ lây.
"Hiện nay, hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ bằng đường biển thì đi theo hai hành trình, trong đó với những tàu hàng xuất khẩu đi bờ đông tới các cảng như New York, Savannah, Charleston... thì đi đường qua kênh đào Suez. Tại Việt Nam, liên minh các hãng tàu đang có một tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp từ Cái Mép - Thị Vải sang các cảng bờ đông để vận chuyển hàng xuất khẩu, đó là tuyến TP17, tuyến này đang bị ảnh hưởng từ sự cố kênh Suez" - đại diện một hãng tàu cho biết.
Cùng với chi phí tăng cao trước đó, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn ít nhất một tuần cũng khiến chuỗi cung ứng sản xuất của các nhà sản xuất bị đảo lộn.
Giám đốc kinh doanh một công ty logistics ở TP.HCM cho biết việc nhiều tàu phải đi đường vòng không chỉ khiến tốn thời gian, nhiên liệu mà các cảng tiếp nhận hàng cũng sẽ xảy ra tình trạng kẹt tàu, hàng phục vụ sản xuất cũng trễ lịch.
Kẹt lâu, linh kiện sản xuất sẽ gặp khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) - cho hay cùng với tình trạng giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch COVID-19, sự cố này ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa VN với khu vực châu Âu. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tiến độ giải phóng tàu Ever Given nói trên.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) xác nhận với Tuổi Trẻ do tàu cấp dầu thô của PVN không đi qua vùng biển này nên không bị ảnh hưởng.
Còn theo một đại diện doanh nghiệp vận tải, việc tắc nghẽn đường vận chuyển hàng hải ở kênh đào Suez mặc dù trước mắt có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng ở mức độ ít.
Tuy nhiên, về lâu dài những mặt hàng điện tử của các tập đoàn đa quốc gia đang sản xuất tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do nhập khẩu linh kiện hiếm. Đồng thời, khoảng 20 ngày tới có thể tạo hệ lụy dây chuyền dẫn tới tình trạng thiếu container, đặc biệt trong bối cảnh đang khan hiếm như hiện nay, và chậm trễ giao hàng, càng làm tăng thêm chi phí.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay Bộ Công thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cảnh giác hãng tàu mượn cớ đẩy giá container rỗng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam - cho biết đang tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp có hàng trên hãng tàu đi qua kênh đào Suez. Hiện chưa có số liệu nào nhưng sẽ có ảnh hưởng khá lớn tới tình hình xuất nhập hàng giữa châu Á và châu Âu.
Hiệp hội này cũng bày tỏ lo ngại các doanh nghiệp Việt Nam đang chờ hàng nhập từ châu Âu về để giải "cơn khát" container rỗng, các hãng tàu có thể mượn cớ tắc nghẽn này để đẩy giá container rỗng.
C.TRUNG
Một số tuyến hàng hải quan trọng từ VN
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay Việt Nam có 25 tuyến vận tải biển quốc tế. Ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ, phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu. Trong đó, tàu từ Việt Nam đến châu Âu và châu Mỹ đi theo các tuyến chính:
* Tuyến đi qua kênh đào Suez tới châu Âu, châu Mỹ: từ Việt Nam qua eo Malacca (Singapore), chuyển hướng đến phía nam Sri Lanka thuộc Ấn Độ Dương, vào Hồng Hải, qua kênh đào Suez, đi trên biển Địa Trung Hải (từ đây tàu vào các cảng ở châu Âu) hoặc vượt Đại Tây Dương đến châu Mỹ và ngược lại. Độ dài tuyến đường này đến châu Mỹ khoảng 11.600 hải lý.
* Tuyến đường qua mũi Hảo Vọng đi châu Mỹ, châu Âu: từ Việt Nam đi thẳng xuống Indonesia, cắt ngang qua eo Jakarta, vượt Ấn Độ Dương đến mũi Hảo Vọng (thuộc Nam Phi). Qua Đại Tây Dương đến Đông Mỹ (hoặc Trung Mỹ, vùng biển Caribê) hoặc đi ngược lên phía bắc để tới các nước châu Âu. Độ dài quãng đường từ Việt Nam đến Cuba khoảng 12.850 hải lý.
* Tuyến đường đi qua kênh Panama đi châu Mỹ: từ Việt Nam đi theo hướng đông, qua Philippines, vượt Thái Bình Dương, đi qua kênh đào Panama đến các cảng ở Trung Mỹ, Cuba. Tính từ Việt Nam đến Cuba, độ dài quãng đường khoảng 10.850 hải lý.
TUẤN PHÙNG
Theo TTO
Xem thêm