Sóc Trăng vượt khó vươn lên từ đại dịch Covid-19

31/07/2021 | 472 |
0 Đánh giá

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định và có mặt phát triển, đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)...

Tập trung “giải cứu” nông sản cho nông dân

Trò chuyện với PV báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói: Tỉnh chúng tôi xác định, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là dồn sức lực cho việc chống dịch, với phương châm: Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH. Lãnh đạo tỉnh đã bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, đưa ra những quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả.

 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (bên phải) đi thực tế ở cơ sở

Từ ngày 19/7, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên nhiều tuyến đường đã bị phong tỏa, xe vận chuyển không thể qua được các chốt kiểm dịch. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hàng trăm hộ dân nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Hàng ngàn lít bò sữa đã phải đổ bỏ vì không có người đến thu mua. Thông tin vụ việc “đến tai” Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu. Ngay lập tức người đứng đầu chính quyền tỉnh đã triệu tập cuộc họp khẩn với chính quyền và ngành chức năng để “giải cứu” ngay sữa bò cho nông dân. Và, đến chiều tối ngày 23/7 tất cả sữa bò còn tồn đọng trong dân đã được Hợp tác xã (HTX) Evergrowth thu mua. Việc “ngăn sông, cấm chợ” chấm dứt. Lưu thông hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm của nông dân đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quán triệt trong nhóm ưu tiên hàng đầu. 

Trước đó, vào giữa tháng 4/2021, cũng do ảnh hưởng dịch bệnh, giá hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu lao dốc không phanh. Hơn 50 ngàn tấn hành tím tồn đọng trong dân, không tìm được thị trường tiêu thụ, nông dân lao đao. Để cứu nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã “ra lời kêu gọi” giải cứu hành tím cho họ. Theo đó, vận động tất cả cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ số lượng hành tím còn tồn đọng trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu…

Sau “lời kêu gọi” nói trên, ngay trong tuần đầu tiên, hàng ngàn tấn hành tím đã được “giải cứu” với giá có lời cho nông dân. Và khoảng hơn một tháng sau, vấn đề hành tím tồn đọng trong dân cơ bản đã được giải quyết.

Vấn đề trăn trở hiện nay ở Sóc Trăng là hơn 2.500 ha nhãn, tổng sản lượng ước đạt trên 25.600 tấn đã đến kỳ thu hoạch. Do dịch bệnh, đi lại khó khăn nên thương lái trả giá rất thấp, chỉ khoảng 10.000đ/kg.

Vấn đề giải pháp, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị… tìm đầu ra cho trái nhãn, không để dân thua lỗ. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ nhãn với nhiều hình thức như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart, thông tin tình hình thu hoạch đến các tỉnh, thành lân cận, các cơ quan, đơn vị, các siêu thị tại tỉnh để chung tay hỗ trợ một phần sản lượng nhãn sắp thu hoạch; tạo điều kiện thuận lợi, nhất là trong khâu vận chuyển để các vựa thu mua và vận chuyển tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận... 

Xuất khẩu tôm sẽ vượt 1 tỷ USD

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, giá trị xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 là 600 triệu USD, đạt 60% kế hoạch, tăng 25% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu ngành tôm) chiếm vai trò chủ đạo với 455 triệu USD, tăng 38,17% so cùng kỳ năm trước.

Năm 2021 tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu thả nuôi 51.000 ha tôm nước lợ (tôm sú 16.000 ha, tôm thẻ chân trắng 35.000 ha) với sản lượng ước đạt 172.000 tấn. Tỉnh đã đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp cho người nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy được những lợi thế sẵn có, khắc phục những trở ngại khó khăn, ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh để hướng đến một vụ tôm nước lợ thành công trong năm nay.

Theo đó, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ, triển khai mạnh mẽ các chủ trương, chính sách trong nuôi trồng thủy sản để người dân tiếp cận với áp dụng sản xuất tốt trong nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm để người nuôi có thể áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả vào trong sản xuất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

 Thu hoạch tôm ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Tại hội nghị tổng kết ngành nuôi tôm nước lợ hồi đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói: “Trước đây, người dân hay nói nửa thật nửa đùa với nhau rằng, ghét ai thì rủ người đó nuôi tôm”. Điều này chứng tỏ rằng, nghề nuôi tôm nước lợ có được vụ nuôi là rất khó. Nhưng trong những niên vụ gần đây, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay từ phía các doanh nghiệp và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong việc khắc phục những khó khăn, bất lợi, trở ngại để liên tục có được những vụ tôm thành công, tỷ lệ tôm bị thiệt hại ngày càng giảm dần, hộ nuôi có lãi ngày càng cao. Ngành tôm bên cạnh sự thích ứng và thuận thiên đã thay đổi được tư duy sản xuất của người nuôi tôm, hướng đến những mô hình nuôi hiệu quả hơn, môi trường nuôi được tốt hơn. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, trong số 30.000 ha tôm đang thả nuôi tại tỉnh thì diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên đến 23.000ha, năng suất bình quân đạt 4,7 tấn/ha, trong khi tôm sú chỉ đạt 1,7 tấn/ha. Sóc Trăng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp lớn chế biến và xuất khẩu thủy sản chuyên sâu. Các doanh nghiệp tỉnh này đang không ngừng mở rộng quy mô, đầu tư trang thiết bị hiện đại để xuất khẩu hàng vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Dự báo xuất khẩu tôm sẽ vượt con số 1 tỉ USD năm nay. 

Trái ngọt từ… điện gió

Song song với những thành quả trong sản xuất nông nghiệp, ngành công nghiệp, trong đó lĩnh vực đầu tư vào điện gió cũng đang được tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo… tăng tốc!

Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng Võ Văn Chiêu cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 9 dự án điện gió đang triển khai thi công với tổng công suất 262,4 MW, và tất cả đang được đẩy nhanh tiến độ. Nhiều đơn vị thi công cả ngày lẫn đêm, huy động tất cả máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác lắp đặt các tuabin, dự kiến sẽ có một phần hoặc toàn bộ nhà máy đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021”.

 Ngành công nghiệp điện gió Sóc Trăng sẽ đóng góp vào ngân sách trên 1000 tỷ trong năm tới.

Hiện một số nhà máy điện gió đang trong giai đoạn lắp đặt tuabin và sẽ đưa vào vận hành từng phần. Như nhà máy điện gió số 5 sẽ vận hành thử nghiệm 3 tổ máy đầu tiên vào cuối tháng 8/2021, 3 tổ máy còn lại sẽ vận hành vào giữa tháng 9/2021. Nhà máy số 7 với 7 tuabin nằm ngoài khơi sẽ nghiệm thu vận hành chia làm 2 đợt vào ngày 5/9 và ngày 30/9. Dự kiến nhà máy điện gió số 6 sẽ đưa vào vận hành thương mại vào cuối tháng 8/2021. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói: “Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của các nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ. Các hạng mục công trình thi công trong điều điện thời tiết khó khăn, tình hình dịch bệnh phức tạp… nhưng không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, tỉnh và các nhà đầu tư cũng quyết tâm đồng hành với nhau để đẩy nhanh tiến độ các dự án địa bàn tỉnh theo cam kết”.

Với tiến độ này thì thời gian những trụ tuabin gió trên địa bàn tỉnh bắt đầu hòa lưới sẽ không còn xa. Theo tính toán, sau khi đưa vào vận hành thương mại trong giai đoạn 1, “nguồn than trắng vô biên” này hàng năm sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng. Năng lượng điện gió được kỳ vọng sẽ góp phần “đổi đời” cho ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm tới.

XUÂN LƯƠNG - HỒNG LĨNH


Tin tức liên quan

Bình luận