Sóc Trăng thả nuôi 51.000 ha tôm nước lợ năm 2022

19/03/2022 | 345 |
0 Đánh giá

Người nuôi tôm Sóc Trăng đã bắt đầu khởi động vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022  với kế hoạch thả nuôi là 51.000 ha.

Để hướng đến một vụ nuôi thành công, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã có những khuyến cáo, định hướng về thời điểm thả nuôi, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó, hướng đến vụ nuôi tôm nước lợ 2022 tiếp tục gặt hái thành công.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong năm qua, nuôi tôm nước lợ đạt 53.000 ha, vượt hơn 3,9% kế hoạch, tăng gần 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha (chiếm 75,5% diện tích thả nuôi) và tôm sú 13.000 ha. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Tỷ lệ tôm bị thiệt hại chiếm chưa đến 6%.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng và người nuôi tôm cũng nhận định, nhìn chung, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 đã cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng, trong khi tỷ lệ thiệt hại không nhiều. Đây là một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh của ngành nông nghiệp.

Sóc Trăng đặt mục tiêu năm 2022 thả nuôi tôm nước lợ 51.000 ha

Ông Trần Quang Cần, Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung cho biết: "Nhờ việc đưa ra được lịch thả nuôi cho bà con nông dân, nên có thể tránh được những thời tiết cực đoan, thả đúng thời vụ cho tôm phát triển tốt".

Còn ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý khu nuôi tôm, Công ty Thủy sản sạch, tỉnh Sóc Trăng cho rằng: "Tôi nuôi mô hình ao bạt này, việc phòng trừ dịch bệnh, rồi về chất lượng tôm, có thể sẽ đạt hơn".

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, khung lịch thời vụ thả tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh năm nay được bắt đầu từ ngày 10/1 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9. Trong đó, đối với tôm thẻ chân trắng từ 10/1 –30/9 và tôm sú là từ 10/3-30/9. Riêng đối với các doanh nghiệp, trang trại nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 hay nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi.

Bà Quách Thị Thanh Bình-Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: "Đối với ngành chức năng đã có chỉ đạo tăng cường việc quản lý vùng nuôi. Thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp về quy chuẩn, kỹ thuật, cũng như công tác bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo nuôi hiệu quả, vừa đảm bảo tốt môi trường nuôi”.

Sóc Trăng đặt mục tiêu trong năm nay sẽ thả nuôi tôm nước lợ 51.000 ha với sản lượng 196.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, địa phương sẽ tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau thành các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng tập trung, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất… để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Sóc Trăng thắng lợi vụ tôm nuôi 2021

Về vấn để này, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ngành sẽ tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp chú trọng  nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất của ngành tôm. Đồng thời, tăng cường phát triển các mô hình tăng trưởng, ứng dụng chuyển đổi số, cũng như là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, như mô hình hai giai đoạn, ba giai đoạn, rồi các mô hình siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, sẽ sản xuất theo hướng an toàn, sạch, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu một cách tốt nhất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của con tôm”.

Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 ha nuôi tôm theo mô hình ao lót bạt và các mô hình sản xuất theo hướng thâm canh, siêu thâm canh và công nghệ cao. Bên cạnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, Sóc Trăng còn đặc biệt chú trọng công tác phối hợp giữa các bên: nhà nước, người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội. Đồng thời, tiếp tục hướng tới việc sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ./.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL


Tin tức liên quan

Bình luận