Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông “mảnh đất chín Rồng”
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, khu vực hiện chỉ có 40km cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (qua Tiền Giang, Long An).
Lãnh đạo Chính phủ dự lễ khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ ngày 4/1/2021.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang kiến nghị tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông ở vùng kinh tế trọng điểm này...
Kiến nghị đầu tư một loạt dự án mới
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay, bộ này đã xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Hà Tiên - Rạch Giá, Hồng Ngự - Trà Vinh; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, nâng cấp 3 tuyến đường thủy nội địa (kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, sông Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).
Đẩy nhanh tiến độ dự án đang thi công
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 252.694 tỷ đồng. Vùng ĐBSCL dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành GTVT để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP (đối tác công tư) và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác.
Trong đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến nằm trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đoạn Bạc Liêu - Cà Mau sẽ được, nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021 - 2025. Còn tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý dài hơn 51km, rộng 17m, 4 làn xe sẽ kết nối với dự án kết nối trung tâm ĐBSCL (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến “cao tốc Bắc - Nam phía Tây” vùng giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tiếp theo là cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, rộng 17m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ.
Tuyến đường sẽ kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP. Cần Thơ và Kiên Giang góp phần tạo thành trục “cao tốc Bắc - Nam phía Tây” dài hơn 130km. Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155km dự kiến đầu tư theo từ vốn ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm.
Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225km. Điểm đầu từ TP. Hà Tiên đến TP. Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP. Bạc Liêu. Công trình tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.
Cao tốc này sẽ kết nối với 2 cao tốc trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ) và cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Bình Phước – TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang). Ngoài 7 dự án trên, Bộ GTVT cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc để làm cơ sở triển khai.
Theo Bộ GTVT, ngoài việc đề xuất nhiều tuyến cao tốc mới, Bộ GTVT cũng đẩy nhanh công tác triển khai thi công các gói thầu còn lại của dự án Bắc Nam phía Đông tại khu vực này là các gói thầu xây dựng của đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.
Dự kiến đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 50.690 tỷ đồng Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 252.694 tỷ đồng. Vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành GTVT để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP (đối tác công tư) và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác. |
Trí Dũng
Xem thêm