Nuôi lươn không bùn bằng công nghệ tuần hoàn

23/04/2021 | 472 |
0 Đánh giá

Mô hình nuôi lươn không bùn bằng công nghệ tuần hoàn do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thiết kế cho tỷ lệ sống đạt 99% và tốc độ tăng trưởng đạt từ 3 – 5% trọng lượng/ngày.

Tại Hội thảo “Giải pháp nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn” do Trung tâm Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức mới đây, ThS. Lê Ngọc Hạnh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, cho biết, công nghệ tuần hoàn (RAS) được nghiên cứu và phát triển mạnh ở châu Âu để khắc phục các hạn chế của công nghệ nuôi lồng bè, ao. Công nghệ này được ứng dụng trên thế giới rất đa dạng - từ trong nhà, ngoài trời, với nhiều đối tượng nuôi như: cá, tôm, cua, lươn,… Tuy nhiên, RAS mới được quan tâm ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

 

Hệ thống tuần hoàn do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thiết kế bao gồm: bể nuôi, thiết bị lọc cơ học (để loại bỏ chất thải rắn, thức ăn dư thừa, bùn cặn), thiết bị lọc sinh học (dùng giá thể nhựa cấy vi sinh để giảm thiểu độc tố ammonia), thiết bị lọc màu (của nước nuôi) có thể lọc bằng cát, hóa chất để nước trong, thiết bị khử khí CO2 trong nước, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, hệ thống giám sát chung cho cả quy trình nuôi. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động.

 

Hệ thống nuôi lươn không bùn theo công nghệ RAS

Hệ thống nuôi lươn không bùn theo công nghệ RAS tạiTrung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang. Ảnh: NNC

 

Ưu điểm của hệ thống là tuần hoàn tái sử dụng nước 100% (không thay nước, chỉ bổ sung lượng nước bị hao hụt do bốc hơi khi cần). Trong đó, chất thải rắn được tách bằng thiết bị tách thải tự động do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chế tạo, giúp loại bỏ công đoạn xả thải. Các chất thải hoà tan sẽ xử lý bằng hệ thống lọc sinh học có thiết bị tách thải tự động, nên không xả thải ra môi trường. Chất lượng nước được đảm bảo đạt mức amoni dưới 0,5mg/l, nitrit dưới 1mg/l, pH dao động từ 7,5-8, oxy hoà tan trong nước duy trì từ 6mg/l trở lên, nhiệt độ được kiểm soát bằng cảm biến điện tử. Nhờ đó, điều kiện nuôi được kiểm soát tốt, hạn chế mầm bệnh xâm nhập, đồng thời tiết kiệm nước. Đây là mô hình phù hợp cho quy mô nuôi trồng nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản.

 

Theo ông Hạnh, mô hình nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn đang được ứng dụng để nuôi cả lươn giống lẫn lươn thịt (lươn thương phẩm). Tùy vào cơ sở vật chất hiện có, người nuôi có thể tận dụng hoặc cải tạo lại mô hình nuôi cũ để linh hoạt sử dụng trong hệ thống tuần hoàn, giảm chi phí đầu tư. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang đã tận dụng lại hệ thống cấp nước và một số bể nuôi, tiến hành lắp đặt thêm hệ thống tách thải – lọc sinh học và hệ thống kiểm soát nhiệt độ. Trước đó, Trung tâm nuôi lươn không bùn trong bể, nhưng phải thay nước thường xuyên, tốn công lao động và không kiểm soát tốt được môi trường nước nuôi.

 

Lươn

Lươn sau 1 tháng nuôi cho trọng lượng gấp đôi. Ảnh: NNC

 

Sau hơn 1 tháng đưa lươn vào nuôi tại Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang, tỷ lệ sống đạt 99%, tốc độ tăng trưởng gấp đôi (trung bình tăng 3 – 5% trọng lượng/ngày). Nếu thực hiện đúng quy trình, lươn có thể đạt trọng lượng từ 200 – 250g sau 8 tháng nuôi, rút ngắn hai tháng so với phương pháp nuôi truyền thống (có bùn hoặc không bùn).

 

Ông Hạnh cho biết thêm, đối với mô hình nuôi lươn giống bằng công nghệ RAS, Viện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã lắp đặt ở Trại lươn giống Sông Ray (Đồng Nai) cho tỷ lệ sống đạt 90%, chất lượng lươn giống đồng đều, đảm bảo là nguồn đầu vào tốt.


Tin tức liên quan

Bình luận