Người nuôi thủy sản đang đứng trước nhiều khó khăn

28/04/2021 | 331 |
0 Đánh giá

 Thông tin trên được đưa ra tại "Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới" diễn ra sáng nay (26/4) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Do nhiều yếu tố khách quan nên khiến người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: LP

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nhập khẩu bị gián đoạn, những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Hạn mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long, thời tiết diễn biến cực đoan… khiến người nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam vẫn đang xu thế phát triển và tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự vào cuộc của các địa phương, nỗ lực của người dân, hội, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng thủy sản... Nhờ vậy, nuôi trồng thủy sản năm 2020, đã vượt qua khó khăn và đạt kết quả tốt.

Tổng sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Cụ thể, sản lượng cá tra đạt 1,56 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu). Sản lượng tôm nước lợ đạt 950.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Diện tích nuôi biển đạt 260.000ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600.000 tấn. Trong đó cá biển 8.700ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38.000 tấn; nhuyễn thể 54.500ha, sản lượng 375.000 tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, sản lượng 2.100 tấn; rong biển 10.150ha, sản lượng 120.000 tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác…

Tuy nhiên, hiện nay, người nuôi thủy sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn như dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 kéo dài ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm.

Diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường, hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long làm cho thủy sản dễ bị bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn, ảnh hưởng sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, cá song… cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Về kế hoạch chỉ tiêu sản xuất năm 2021, theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản giữ ổn định 1.300 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 450 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 850 nghìn ha (nuôi tôm nước lợ 740 nghìn ha, trong đó 630 nghìn ha nuôi tôm sú và 110 nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng); sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,75 triệu tấn (bằng 104,2% năm 2020), trong đó: Sản lượng cá tra 1,55 triệu tấn; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn (tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn, còn lại là tôm khác) và sản lượng các đối tượng thủy sản nuôi khác như rô phi, cá biển....

Để tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ sản đề nghị đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp (giảm các đại lý trung gian); đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản giúp cho người nuôi ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; giữ vững thị trường truyền thống; phát triển thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tổ chức nắm bắt, phân tích, dự báo tốt thị trường để kịp thời điều tiết sản xuất trong nước.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thuỷ sản 2017; quan tâm chỉ đạo địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt.

Lê Phương


Tin tức liên quan

Bình luận