Lợi nhuận nuôi tôm tại Ecuador bị bào mòn vì chi phí tăng trong khi giá bán lao dốc

07/04/2022 | 350 |
0 Đánh giá

Chi phí nuôi tôm tại Ecuador tăng mạnh từ thức ăn đến xăng dầu. Trong khi đó, giá bán giảm do nhu cầu tại thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này khiến lợi nhuận người nuôi tôm giảm mạnh, thậm chí về 0.

Theo trang Undercurrent News, người nuôi tôm ở Ecuador lo lắng về hoạt động kinh doanh của mình khi chi phí sản xuất cao do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trong những tháng gần đây.


Một chủ trang trại nuôi tôm cho biết các chi phí nuôi tôm như hoá chất, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…đều tăng mạnh.

Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 60% nay thành gánh nặng lớn khi giá nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mỳ tăng mạnh. Hầu hết công ty thức ăn chăn nuôi đều đã tăng giá thức ăn thành phẩm và họ tuyên bố sẽ còn tăng trong tháng 5.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng mạnh càng khiến chi phí vận tải đường biển vốn đang ở mức cao nay càng cao hơn. 

Trong một bức thư gửi khách hàng, hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi Cargill cho biết công ty xin lỗi vì buộc phải tăng giá vì chi phí đầu vào hiện đang ở mức cao do ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga - Ukraine. 

Bức thư viết: “Xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung sản phẩm nông nghiệp khu vực Biển Đen từ dầu thực vậy đến lúa mỳ. Chính điều này đã khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể và tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất thành phẩm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi buộc phải tăng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm”. 

Tính đến nay, công ty Cargill đã tăng giá thức ăn chăn nuôi tôm khoảng 10%. 

Trong khi đó, giá tôm tại bờ tuần 13 giảm 0,1 - 0,6 kg so với tuần trước đó. Điều này càng làm nản lòng người nuôi. Hiện giá tôm thẻ chân trắng tại Eucador dao động trong khoảng 1,9 - 4,9 USD/kg (tuỳ loại).

  Nguồn: Undercurrent News, Việt hoá: H.Mĩ 

“Biên lợi nhuận của chúng tôi giảm sâu, thậm chí xuống còn 0. Với nhiều người, thậm chí việc dừng hoàn toàn hoạt động nuôi còn có lợi hơn là tiếp tục duy trì”, một nông dân nuôi tôm tại Ecuador cho biết.  

Ngoài ra, Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu tôm chính của Ecuador với tỷ trọng tới hơn 50% hiện cũng đang vật lộn đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới.

“Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu tôm của Ecuador bởi đây là thị trường tiêu lớn nhất của nước này. Chúng ta đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Ngành tôm Ecuador cần theo dõi sát sao hơn tình hình dịch COVID-19 tại thị trường vô cùng quan trọng này”, một chủ trang trại nuôi tôm cho biết.

Tại Trung Quốc, chỉ tính riêng trong tháng 3 có khoảng hơn 900 nghìn ca nhiễm mới và hơn 7 nghìn ca tử vong. Con số này tương đương với 65% và 55% tổng số ca mắc mới và tử vong trong năm 2020.

H.Mĩ


Tin tức liên quan

Bình luận