Hải Dương: Nông dân chóng mặt vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng
Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi giảm, tiêu thụ chậm khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 nay khó càng thêm khó…
Hơn 5 năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn Thanh-một nông dân nuôi cá lồng ở xã An Thượng, TP.Hải Dương chưa bao giờ phải đau đầu khi hàng tấn cá lồng không thể xuất bán trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao như thời điểm hiện tại.
Anh Thanh cho biết, đây là thời điểm người nông dân chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Từ khi dịch bệnh bùng phát, cá lồng ở đây hầu như không tiêu thụ được.
Đã vậy, người nông dân còn phải chịu thêm chi phí cho cá ăn mỗi ngày. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng.
Anh Thanh chia sẻ, mỗi tháng gia đình anh phải bỏ thêm vài chục triệu đồng tiền thức ăn cho cá, chưa tính tiền thuốc thủy sản. Cá không thể xuất lồng, vốn khó thu hồi để quay vòng vốn.
Nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thì anh cũng giống những hộ chăn nuôi khác trong vùng rất khó để tồn tại hoặc quay trở lại phục hồi sản xuất sau khi dịch được dập tắt.
Giống như anh Thanh, chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Chuyên, ở xã Tân Việt, huyện Thanh Hà lại thấy giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục như hiện nay.
Bà Chuyên chia sẻ, từ Tết Nguyên đán 2021 đến nay, tháng nào giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng ít nhất 1 lần, bình quân mỗi lần tăng từ 200 - 400 đồng/kg cám. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá mỗi bao cám gà loại 25 kg lại tiếp tục tăng thêm 10.000 đồng
Đây là nghịch lý đối với người nông dân khi giá gà thương phẩm vẫn giảm mạnh, tiêu thụ gặp muôn vàn khó khăn.
Không chỉ các hộ chăn nuôi gặp khó mà ngay cả các chủ đại lý kinh doanh cũng lo ngại khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cho biết, từ cuối năm ngoái, tháng nào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản cũng thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng giá bán.
Bà Nguyễn Thị Mến, chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở huyện Tứ Kỳ cho hay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ cũng bị chậm.
Việc thu hồi công nợ cũng chậm hơn trước do các sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ chậm, giá thấp. Nay giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm nhiều khiến các doanh nghiệp rất đau đầu.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, đại diện Công ty TNHH ANT (đơn vị chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng là điều không tránh khỏi.
Theo đó, ngay từ cuối năm 2020, giá nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn đã tăng mạnh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Giá một số nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, khô đậu tương tăng từ 30 - 35% so với trước. Việc này càng đáng lo ngại khi giá nguyên liệu hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, đến nay toàn tỉnh có 386.117 hội viên nông dân đang sinh hoạt tại 229 HND cơ sở và 1.260 chi Hội.
Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 51 lớp dạy nghề cho 1.740 lao động nông thôn, trong đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 27 lớp đào tạo nghề cho 945 người.
Thông qua các lớp dạy nghề, hội viên nông dân đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, may công nghiệp ...
Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp có uy tín tổ chức 1.600 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 121.847 lượt hội viên tham dự; cung ứng 6.895 tấn phân bón chậm trả các loại cho nông dân.
Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 87 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.045 người; xây dựng 3 mô hình sử dụng phân bón Amio trên cây na, cam, thanh long; cung ứng 1.154 tấn phân bón Lâm Thao, Phú Mỹ trả chậm và gần 50.000 lít phân bón Amio...
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã làm các sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ.
Để giảm chi phí đầu vào, người chăn nuôi có thể tự phối trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các cấp Hội nông dân trong tỉnh, các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhanh chóng ổn định sản xuất để phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo DÂN VIỆT
Xem thêm