Giá tôm sắp hồi phục mạnh
Các tỉnh nam sông Hậu đang mở rộng vùng xanh nên dự báo công nhân sẽ sớm trở lại nhà máy thủy sản, thúc đẩy giá tôm tăng mạnh. Trong khi đó, lúa vẫn còn tiêu thụ chậm.
Hai ngày qua, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu đợt giãn cách xã hội thứ 3 theo Chỉ thị 16. Trong đó, các tỉnh vùng nam sông Hậu là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang kéo dài giãn cách từ 5-7 ngày; Kiên Giang, An Giang 10 ngày.
Đặc biệt Sóc Trăng thiết lập được 45 xã, phường, thị trấn vùng xanh để áp dụng trạng thái "bình thường mới". Các vùng còn lại là vàng (nguy cơ, 28), cam (nguy cơ cao, 27) và đỏ (nguy cơ rất cao, 9 xã, phường, thị trấn).
Giá tôm dự báo tăng vọt
Theo quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng, người dân trong vùng xanh đi lại bình thường, tháo gỡ các chốt kiểm soát Covid-19. Hàng quán vùng xanh hoạt động trở lại, mỗi bàn ăn uống không quá 4 người và cách nhau 2m. Ở vùng vàng, quán ăn uống được phục vụ tại chỗ, mỗi bàn không quá 2 người và cách nhau 4 m.
|
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào "đường bơi" của con tôm khi các tỉnh nới lỏng Chỉ thị 16. Ảnh: Phan Thanh Cường. |
Là một trong những tỉnh có diện tích đất nuôi tôm công nghiệp lớn ở ĐBSCL, Sóc Trăng có gần 50% xã, phường, thị trấn vùng xanh và tiếp tục mở rộng nên nông dân rất kỳ vọng vào "luồng xanh" cho các mặt hàng nông, thủy sản. Bạc Liêu và Cà Mau cũng đang chuẩn bị nới lỏng giãn cách để vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với Zing, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) Hồ Quốc Lực, cho biết tỉnh Sóc Trăng không còn kéo dài Chỉ thị 16 nên doanh nghiệp không còn thực hiện "3 tại chỗ".
"Lao động trong TP Sóc Trăng có thể tự đi làm nên tăng người tăng sản xuất, giá tôm sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm", ông Lực chia sẻ.
|
Tôm thương phẩm hứa hẹn tăng giá nếu các tỉnh khu vực nam sông Hậu kiểm soát tốt dịch Covid-19. Ảnh: Xuân Trường. |
Ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (Bạc Liêu), nói rằng việc sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch Covid-19 khó khăn nhưng chưa đến mức quá căng thẳng. Ngoài 100 phòng trọ và tập thể cho công nhân, ông Khanh tạo điều kiện cho những công nhân gần công ty được về nhà theo hình thức "1 cung đường 2 điểm đến".
"Giá tôm thẻ loại 25 con mỗi kg hiện nay 160.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với trước dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nới lỏng giãn cách trong vài ngày tới giá tôm sẽ lên ào ào. Khi doanh nghiệp có công nhân trở lại thì sẽ đẩy mạnh việc mua tôm, giá sẽ tăng nhanh", ông Khanh kỳ vọng.
Giá lúa chưa khả quan
Chiều 17/8, chị Trịnh Thị Vol Ga ở phường 3, TP Sóc Trăng bán lúa vừa thu hoạch với giá 4.900 đồng/kg. Giá này giảm 100 đồng/kg so với lúc giao kết giá với nhà máy vào cuối tuần trước.
Ngoài việc chi phí cắt lúa tăng cao do máy gặt đập liên hợp di chuyển khó khăn và thiếu nhân công, chị Vol Ga phải thuê xe tải chở lúa đến tận nhà máy xay xát.
Theo nhận định của Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) Kim Thái Phong, giá lúa vẫn chưa thể tăng vì còn ảnh hưởng dịch Covid-19 trong vùng. Cụ thể, các doanh nghiệp thu mua lúa tại Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang vẫn còn khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa vì dịch Covid-19 nên lượng ghe và xe tải lớn thu mua lúa chạy về các tỉnh khu vực nam sông Hậu rất ít.
Nói với Zing, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết có một doanh nghiệp lớn cần mua 300.000 tấn gạo. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này chuyên về xuất khẩu nên sẽ ủy thác cho một tập đoàn có đầy đủ logistics để tương tác với nông dân. Tập đoàn này thực hiện khâu đầu vào, trực tiếp mua lúa, chế biến gạo rồi chuyển về doanh nghiệp đầu ra để đóng bao xuất khẩu.
Để thực hiện kế hoạch trên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tạm ứng tiền cho tập đoàn đối tác để thu mua lúa tại An Giang. Ngoài việc yêu cầu tập đoàn thu mua lúa xây dựng sàn giao dịch, tỉnh An Giang sẽ yêu cầu đơn vị này thực hiện mô hình "hệ sinh thái nông nghiệp" để đảm bảo quyền lợi cho nhà nông.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, "hệ sinh thái nông nghiệp" sẽ giúp nhà nông "ăn chắc mặc bền" khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để doanh nghiệp làm trọn gói từ khâu làm đất cho đến tiêu thụ. Lúc đó, 2 bên ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm về năng suất của từng vụ mùa và từng loại giống.
"Ví dụ như cánh đồng của nông dân đó trồng lúa nếp, 1 ha năng suất vụ đông xuân trong 5 năm gần đây bình quân là bao nhiêu thì lấy mức đó ra làm hợp đồng, trách nhiệm. Năng suất dưới mức này thì doanh nghiệp phải đền bù cho nông dân dù gặp bất cứ lý do gì. Nếu năng suất trên mức hợp đồng đó thì chia đôi phần chênh lệch", ông Trần Anh Thư nói.
|
Hạt lúa nông dân làm ra vẫn đang tiêu thụ chậm. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Thư, việc hợp tác này doanh nghiệp không sợ lỗ vì họ có mua bảo hiểm lúa cho nông dân. Nếu lúa năng suất thấp hơn ký kết, bảo hiểm sẽ bồi thường cho nông dân.
"Mô hình hệ sinh thái đồng ruộng giúp nông dân không phải lo lắng gì hết. Người nào có bao nhiêu ruộng đất thì biết rõ cuối vụ sẽ có bao nhiêu tấn lúa và bao nhiêu tiền", lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định.
Tuy nhiên, sẽ không có câu chuyện lãi đột biến khi có sự biến động giá. Nếu năng suất tăng lên so với hợp đồng thì phần chênh lệch phải chia một nửa cho doanh nghiệp.
Thứ hai là khi 2 bên đã chốt giá, nếu giá lúa cao hơn hợp đồng thì doanh nghiệp lại hưởng tiếp. Do đó, nông dân muốn ăn chắc mặc bền, không sợ lúa khó bán thì phải chấp nhận mô hình "hệ sinh thái nông nghiệp".
(Theo Zing)
Xem thêm