Giá tôm miền Tây vẫn tăng cao

28/10/2021 | 382 |
0 Đánh giá

Các ca F0 xuất hiện tại một số doanh nghiệp thủy sản miền Tây khiến số lượng công nhân đến nhà máy giảm khoảng 30%. Giá tôm thẻ cuối vụ đang không ngừng tăng cao.

Ngày 27/10, nông dân xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông của TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch tôm thẻ cuối vụ. Giá tôm thẻ tăng từ 5.000-8.000 đồng/kg so với tuần trước.

Anh Lưu Trường Giang - phụ trách thu mua và điều hành của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (Trần Đề, Sóc Trăng) - cho biết đơn vị đang cho công nhân kéo lưới bắt 8 tấn tôm thẻ tại 2 ao lót bạt ở ấp Tài Công, xã Tài Văn, huyện Trần Đề.

Khu vực này giáp ranh Sung Đinh của TP Sóc Trăng, có rất nhiều người đào ao nuôi tôm công nghiệp thành công, thu lãi cao. “Tám tấn tôm chúng tôi vừa mua có kích cỡ 80 con mỗi kg, giá 110.000 đồng/kg. Với lượng tôm và giá tốt này, chủ ao thu lãi trên 300 triệu đồng”, anh Giang cho biết.

Giá tôm cao ngất
Trưa cùng ngày, Công ty Tấn Phát và một số doanh nghiệp thủy sản tại huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) và TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) mua tôm thẻ loại 20 con/kg giá 245.000 đồng/kg. Đây là loại tôm có giá tốt nhất từ đầu vụ và cao hơn 66.000 đồng/kg so với loại cùng kích cỡ và cùng kỳ năm trước.


Đối với tôm thẻ 25 con, giá tăng từ 180.000 lên 185.000 đồng/kg; loại 30 con 164.000 đồng/kg, 40 con 146.000 đồng/kg, 50 con 131.000 đồng/kg, 60 con 121.000 đồng/kg, 70 con 115.000 đồng/kg, 80 con 110.000 đồng/kg, 90 con 101.000 đồng/kg, 100 con 96.000 đồng/kg.

Giá này được doanh nghiệp mua tại ao, đã tính chi phí kéo tôm và vận chuyển lên xe tải.


Thu hoạch tôm thẻ trong ao lót bạt tại Sóc Trăng. Ảnh: Lưu Giang.


Tại Công ty TNHH Khánh Sủng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), giá tôm thẻ tại nhà máy là 168.000 đồng đối với loại 30 con/kg; 40 con 145.000 đồng và 100 con 100.000 đồng/kg.

Chủ một doanh nghiệp thủy sản tại thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết một số ca F0 xuất hiện tại Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi và Công ty TNHH Thủy sản Châu Bá Thảo. Do đó, số lượng công nhân tại nhiều nhà máy khác trong khu vực giảm 30-35%. Ngoài việc khó qua các chốt liên vùng, công nhân bị tâm lý lo sợ liên quan đến dịch bệnh nên ở nhà.

“Một số công ty có F0 khiến cho doanh nghiệp của chúng tôi bị ảnh hưởng vì các đơn hàng giao cho khách đang thực hiện trong giai đoạn nước rút nhưng thiếu công nhân. Dịch bệnh nhưng giá tôm không giảm vì gần cuối vụ, tôm không còn nhiều”, chủ doanh nghiệp thủy sản tại Giá Rai chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, diện tích tôm đã thả nuôi tại địa phương này là 66.467 ha, đạt 89,8% so với kế hoạch và bằng 92% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tôm thương phẩm ước đạt 178.489 tấn.

Tỉnh này đã thu hoạch 34.688 ha tôm với sản lượng khoảng 149.780 tấn (tôm thẻ 137.242 tấn, sú 12.538,4 tấn).

Hiện, Sóc Trăng còn khoảng 12.812 ha tôm trên đồng (thẻ 8.825,7 ha, sú 3.986,3 ha). Trong đó, tôm nuôi dưới 30 ngày 1.306 ha, 30-60 ngày 5.017 ha, 60-90 ngày 3.774 ha, 90-120 ngày 1.673,5 ha và trên 120 ngày 1.041 ha.

Kiểm soát được dịch bệnh
Trao đổi với Zing, ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai - cho biết địa phương có 22 nhà máy chế biến thủy sản với trên 10.000 công nhân. Mỗi năm, thị xã đóng góp 80% kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Bạc Liêu.

Theo ông Thắng, suốt 2 năm địa phương không có F0 trong cộng đồng. Vài ngày trước, các ca F0 cộng đồng khiến Công ty TNHH Thủy sản Tấn Khởi và một phân xưởng của Công ty TNHH Thủy sản Châu Bá Thảo bị phong tỏa.

“Việc phong tỏa tại Công ty Tấn Khởi và một xưởng của Công ty Châu Bá Thảo không ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất thủy sản của Giá Rai. Các doanh nghiệp khác hoạt động tốt”, ông Thắng nói.

Tại Sóc Trăng, Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Chiêu cho biết kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay ước 1.050 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (tăng 128 triệu USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 835 triệu USD, tăng 21% (145 triệu USD); xuất khẩu gạo 183 triệu USD, tăng 41% (53 triệu USD).

Giá tôm thẻ đang tăng cao tại các tỉnh miền Tây. Ảnh: Lưu Giang.


Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết cả nước đang áp dụng các biện pháp thích ứng với dịch Covid-19. Vì vậy, khi nhà máy chế biến thủy sản hay điểm nào đó có F0, cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng dập dịch, sẽ không ảnh hưởng đến dây chuyền của các hoạt động khác.

Theo ông Hòe, các đại phương là sẽ nhanh chóng có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đây không phải "vấn đề ghê gớm”.

“Các địa phương rất quan tâm đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và có những biện pháp kiểm soát những khu vực tập trung đông người. Đặc biệt là những khu vực có sự giao lưu của nhiều địa phương vì hiện nay một tỉnh có nhiều khu vực, nhiều phường, xã mức độ dịch khác nhau”, lãnh đạo Vasep chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay là ý thức bảo vệ của từng cá nhân, từng cộng đồng nhỏ, từng bong bóng. Đây là yếu tố quan trọng để giúp cho quá trình phục hồi kinh tế và chống dịch hiệu quả.

Nguồn tin: Báo ZINGNEW


Tin tức liên quan

Bình luận