Đến năm 2025 Bến Tre có 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao

14/06/2021 | 306 |
0 Đánh giá

Đến năm 2025, tỉnh Bến Tre sẽ có 4.000 ha nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ, tôm sú) ứng dụng công nghệ cao; trong đó, huyện Ba Tri 500 ha, huyện Bình Đại 2.000 ha và huyện Thạnh Phú 1.500 ha.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao hai giai đoạn ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại. Ảnh Công Trí-TTXVN

UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế thủy sản nói riêng, kinh tế-xã hội của địa phương vùng ven biển nói chung.
Theo đó, đến năm 2025, tỉnh Bến Tre sẽ có 4.000 ha nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ, tôm sú) ứng dụng công nghệ cao; trong đó, huyện Ba Tri 500 ha, huyện Bình Đại 2.000 ha và huyện Thạnh Phú 1.500 ha.

Đến năm 2025, sản lượng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao dự kiến đạt 144.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%. Giá trị sản xuất ngành tôm đạt 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,4%. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phát triển ngành tôm biển theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đồng thời, đưa ngành này thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Qua đó, tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai các nhóm giải pháp như: Tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng giống tôm biển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến ngư và phòng chống dịch bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý môi trường, phát triển hoạt động chế biến tôm…
Đặc biệt, Bến Tre phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung cấp đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra để xây dựng vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện tổ chức rà soát hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch; đánh giá  các mô hình sản xuất hiệu quả để phổ biến, tuyên truyền đến người nuôi, nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển doanh  nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho hay, thời gian gần đây, người nuôi tôm trong tỉnh đã có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao (nuôi 2, 3, 4 giai đoạn), tập trung ở các huyện biển Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri.
Theo ông Nguyễn Văn Buội, đến nay tỉnh Bến Tre có gần 1.700 ha tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể, năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha.

Mỗi năm thả nuôi được 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 36 tấn/ha, cao gấp hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/ha/vụ nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh cao cho người nuôi.
Đáng chú ý, loại hình nuôi mới khép kín này còn có ưu điểm là cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí nuôi (thông qua việc kiểm soát tốt thức ăn, xử lý nước, ao nuôi nhỏ) và nâng tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất.
Bến Tre là một trong những tỉnh có nghề nuôi tôm nước lợ (tôm biển) phát triển khá mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng, nhất là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh có 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Tính đến năm 2020, Bến Tre đã  khai được 45.747 ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng nuôi đạt hơn 295.000 tấn; trong đó, có 36.000 ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 70.000 tấn.
Tỉnh Bến Tre hiện có 3 khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Thới Thuận, Thừa Đức, huyện Bình Đại và xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Nhiều doanh nghiệp lớn có năng lực đầu tư sản xuất giống thủy sản tại tỉnh với công suất khoảng 3-6 tỷ con giống/năm.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản từng bước được hoàn thiện, nhất là giao thông, thủy lợi, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời điểm hiện nay./.

Theo BNEWS


Tin tức liên quan

Bình luận