Bình Đại phát triển kinh tế về hướng đông

30/04/2021 | 414 |
0 Đánh giá

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre, Huyện ủy - UBND huyện Bình Đại xây dựng Chương trình phát triển về hướng đông giai đoạn 2021- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 hết sức bài bản, khoa học.

Với các nền tảng phát triển hiện có, huyện Bình Đại đang nhập cuộc đầy quyết tâm với tinh thần tự tin thắng lợi.

Đội tàu cá Bình Đại hiện đứng đầu cả nước về quy mô công suất và hiệu quả đánh bắt xa bờ. Ảnh: B.Thắng- N.Tùng

Đội tàu cá Bình Đại hiện đứng đầu cả nước về quy mô công suất và hiệu quả đánh bắt xa bờ

ẢNH: B.THẮNG- N.TÙNG

Nền tảng sẵn có

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2015- 2020, kinh tế - xã hội huyện Bình Đại tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất trên các lĩnh vực đều tăng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

Với lợi thế bờ biển dài 27 km, kinh tế biển của huyện Bình Đại có bước phát triển tích cực. Lĩnh vực thủy sản phát triển mạnh, diện tích nuôi tôm bình quân hàng năm đạt 18.380 ha. Trong đó, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh 5.634 ha, nuôi tôm công nghệ cao là 800 ha; sản lượng 72.000 tấn/năm. Khai thác thủy sản được quan tâm đầu tư, tiếp tục phát triển theo hướng xa bờ, tổng số đoàn tàu trực tiếp khai thác trên biển hiện có 1.195 chiếc (trong đó đánh bắt xa bờ 594 chiếc); sản lượng khai thác bình quân đạt 85.000 tấn/năm. Được tỉnh quan tâm đầu tư cảng cá hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, mua bán hàng hóa thủy sản và phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, đóng tàu...

Giao thông đã thông thoáng, vận chuyển hàng hóa từ cảng cá Bình Đại đến QL1 và TP.HCM rất thuận lợi. Các tuyến giao thông nội hạt liên thông và kết nối dễ dàng với các huyện Ba Tri, Châu Thành, Giồng Trôm và tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, tiềm năng về phát triển giao thông thủy đã và đang được đầu tư bài bản.

Du lịch sinh thái vùng biển và rừng ngập mặn đang được một số nhà đầu tư khai thác có hiệu quả nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và đang được huyện triển khai kêu gọi đầu tư “đại bàng”. Năng lượng tái tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư và đang trong quá trình triển khai thi công quyết liệt.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng tôm biển ở huyện Bình Đại tăng đều đặn qua từng năm. Ảnh: B.Thắng- N.Tùng

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng tôm biển ở huyện Bình Đại tăng đều đặn qua từng năm

ẢNH: B.THẮNG- N.TÙNG

Tập trung huy động nguồn lực phát triển hướng ra biển

Nghị quyết của Huyện ủy và Chương trình hành động của UBND huyện Bình Đại (giai đoạn 2021 -2025) nêu rõ, về kinh tế thủy sản sẽ phát triển vùng nuôi, hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu. Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển ổn định 18.000 ha nhưng tổng sản lượng sẽ đạt 80.000 tấn/năm.

Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ và các nghề lạm sát nguồn lợi hải sản, phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc; ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xuất khẩu. Tuyên truyền, vận động chuyển đổi nghề và thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng ven biển, nghiên cứu xây dựng các khu bảo tồn ven biển để khôi phục lại hệ sinh thái ven biển.

Phối hợp với các ngành trong tỉnh hoàn thành công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đưa Khu công nghiệp Phú Thuận đi vào hoạt động. Phát triển chuỗi giá trị bền vững từ vùng sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Triển khai lập dự án thực hiện Cụm công nghiệp Bình Thới. Đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bình quân tăng 22%/năm và đến năm 2030 là 40%/năm.

Về năng lượng, tập trung phát triển năng lượng sạch; hoàn thiện hạ tầng lưới điện trung, hạ thế để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt; thực hiện phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án điện năng lượng tái tạo như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời xã Thừa Đức và Thới Thuận, Thạnh Phước… Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Các làng nghề chế biến cá khô ở Bình Đại ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho đông đảo người lao đông địa phương. Ảnh: B.Thắng- N.Tùng

Các làng nghề chế biến cá khô ở Bình Đại ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho đông đảo người lao đông địa phương

ẢNH: B.THẮNG- N.TÙNG

Hoàn thành Đề án phát triển du lịch Bình Đại giai đoạn 2020- 2030 định hướng đến năm 2045. Kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ du lịch gắn với hình thành các khu thương mại- du lịch biển; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các điểm du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch ven biển, di tích lịch sử - văn hóa, tâm linh. Liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa Bình Đại với các huyện trong khu vực, trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi - nước sạch, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng năng lượng sẽ được quan tâm và tập trung đầu tư, nhất là tuyến giao thông động lực ven biển. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và lực lượng lao động các ngành kinh tế biển; kiến nghị có chính sách để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu về các nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, năng lượng, du lịch biển, đô thị.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho rằng Nghị quyết của Huyện ủy và Chương trình hành động của huyện đều rất cụ thể. Song, để thực hiện có hiệu quả về Chương trình phát triển về hướng đông phải cần phải quyết tâm cao và vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời từ T.Ư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia của nhân dân huyện nhà.


Tin tức liên quan

Bình luận