Quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn

08/10/2021 | 498 |
0 Đánh giá

Trà Vinh: Một số lưu ý khi nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường

Những năm trở lại đây, tại tỉnh Trà Vinh hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng. Việc ứng dụng các công nghệ mới và vấn đề bảo vệ môi trường khu nuôi cũng ngày càng được các cơ quan, ban ngành và người nuôi chú tâm ở mức độ cao hơn.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tiếp tục triển khai thực hiện năm thứ 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường trên địa bàn huyện Cầu Ngang và Thị xã Duyên Hải do 2 hộ dân thực hiện, mỗi hộ thả 600 nghìn con tôm giống trên diên tích 3000m2.

Sau gần 75 ngày thả nuôi, tôm đạt trọng lượng 63 con/kg, tỷ lệ sống đạt 98%, hệ số chuyển hóa thức ăn là 1,1, năng suất 31,7 tấn/ha/vụ. Tổng sản lượng của mô hình là trên 19 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí mô hình cho lãi hơn 350 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công cao cho hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Mô hình được xây dựng theo phương pháp nuôi hiện đại, ứng dụng được hệ thống cảnh báo môi trường trong quá trình nuôi giúp chủ động trong việc đề phòng và xử lý rủi ro xảy ra trong suốt mùa vụ; tiết kiệm được thời gian, chi phí từ việc giảm sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất; đồng thời hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải từ ao tôm đã được xử lý qua hệ thống hầm biogas.

Mô hình sản xuất mang tính ưu việt hơn so với sản xuất theo hướng đại trà của người dân trong vùng nên được người nuôi đồng tình hưởng ứng, khả năng nhân rộng cao trong thời gian tới.

Để mô hình thực hiện đạt hiệu quả cao hơn khi áp dụng rộng rãi vào sản xuất, người nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Chỉ áp dụng mô hình nuôi thâm canh mật độ cao khi có đủ điều kiện về diện tích, nguồn tài chính, nguồn nhân lực, kỹ thuật, điện, nước…; cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được yêu cầu; đủ hệ thống các ao nuôi, ao chứa và xử lý nước thải, ao lắng, lọc,...

- Cần quan tâm đến mùa vụ thả nuôi được khuyến cáo của ngành chuyên môn để có kế hoạch sản xuất hợp lý nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

- Sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi. Tránh việc lạm dụng thuốc, hóa chất, áp dụng các giải pháp an toàn sinh học, an toàn thực thực phẩm trong ao nuôi.

- Thực hiện hợp lý, hiệu quả công tác khử khuẩn, phòng bệnh trong suốt vụ.

- Áp dụng qui trình nuôi 2 -3 giai đoạn để dễ quản lý, giảm chi phí sản xuất. Con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro.

- Cho tôm ăn đủ về lượng và chất, tránh thiếu thức ăn sẽ dẫn đến tôm ăn nhau và làm tôm chậm lớn khi nuôi, dẫn đến tỷ lệ hao hụt và hệ số chuyển hóa thức ăn cao, giảm lợi nhuận.

- Luôn giữ các yếu tố môi trường trong ngưỡng tối ưu nhất có thể.

- Thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, diễn biến tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường.

Phòng Thủy sản - Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh - Khuyến Nông VN, 19/8/2021


Tin tức liên quan

Bình luận