“Công thức” nuôi cá chẽm đạt năng suất cao
Cá chẽm hay còn gọi là cá vược là một loài cá dữ điển hình rộng muối, thịt ngon và giá trị kinh tế cao. Gần đây cá chẽm đã được nuôi ngày càng rộng rãi bằng các hình thức nuôi lồng và nuôi trong ao đầm nước lợ. Mạnh mẽ nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu,... Từ khóa “kỹ thuật nuôi cá chẽm thương phẩm” cũng được tìm kiếm và áp dụng nhiều hơn.
Cá chẽm
Dưới đây là phần chia sẻ quy trình kỹ thuật nuôi cá chẽm góp phần rút ngắn con đường thành công với cá chẽm của bà con ngư dân.
1. Một số đặc điểm sinh học của cá chẽm
Cá chẽm có hình thoi, dẹt 2 bên, thường màu xám, phần bụng trắng bạc, cuốn đuôi khuyết sâu. Đầu to, mõm nhọn, miệng rộng, chiều dài hàm trên kéo dài đến ngang giữa mắt. Hai vây lưng liền nhau, giữa lõm, vây đuôi tròn lồi.
Trong tự nhiên, chúng sống chui rúc trong các hang đá ở nhiệt độ từ 5-30oC. Cá chẽm bắt mồi rất dữ và có thể bắt con mồi có kích cỡ bằng cơ thể của chúng. Cá chẽm chỉ bắt mồi sống và di động. Thức ăn của chúng rất đa dạng, từ phiêu sinh động thực vật, đến các loài giáp xác và nhiều loài cá.
Chúng có tập tính di cư xuôi dòng, cá lớn lên trong nước ngọt ở sông, hồ. Khi thành thục chúng sẽ di cư ra khu vực cửa sông, ven biển với độ mặn cao hơn (30-32 phần nghìn) để sinh sản, ấu trùng nở ra lại trôi vào nước ngọt để sinh trưởng và phát triển.
Đặc biệt cá chẽm đực sẽ chuyển đổi giới tính sang cá cái sau khi tham gia sinh sản lần đầu tiên. Chính vì thế trong thời gian đầu (1.5- 2kg) hầu hết là cá đực, nhưng khi cá đạt 4- 6kg thì phần lớn là cá cái. Cùng tuổi cá cái sẽ có kích thước lớn hơn cá đực.
2. Nuôi cá chẽm trong lồng bè
a. Chuẩn bị lồng và chọn vị trí đặt lồng
Mỗi dàn lồng thường được thiết kế thành 4 ô, khung lồng làm bằng gỗ hoặc sắt nguyên khối, lưới lồng chắc chắn với diện tích từ 30-60m2, kích thước mắt lưới tùy thuộc vào cỡ cá nuôi. Ví dụ cỡ cá 1-2cm dùng mắc lưới 0,5cm, cỡ cá 5-10cm dùng mắc lưới 1cm; cỡ cá 20-30cm dùng mắc lưới 2cm và cở cá>25cm dùng mắc lưới 4cm. Phao có thể là các tấm xốp hay các thùng phuy, số lượng phao tùy thuộc vào kích thước lồng. Lồng neo cố định 4 gốc, tránh bị nước cuốn trôi.
Chọn vị trí đặt lồng tốt sẽ quyết định phần nào thành công của vụ nuôi. Nơi ít sóng gió, lưu tốc nhỏ, mức độ nhiễm bẩn thấp, ít tàu thuyền qua lại, thông thoáng, xa khu dân cư, không ô nhiễm và gần đường giao thông để vận chuyển và chăm sóc dễ dàng hơn.
Đáy lồng và đáy sông đặt cách nhau ít nhất 2m, tốc độ dòng chảy nhỏ hơn 1m/giây. Nếu nước chảy quá nhanh làm cá phải tốn nhiều năng lượng cho việc bắt mồi và bơi lội, làm hư hỏng lồng và làm thức ăn trôi nhanh. Ngược lại, nước chảy quá yếu hay đứng nước sẽ dễ làm chất thải bám gây ô nhiễm lồng, thức ăn thừa nhiều, mùn bã hữu cơ tích lũy.
Chọn các vị trí có hàm lượng oxy hòa tan từ 4-6mg/l, nhiệt độ 25-30oC, độ mặn 20-33 phần nghìn, hàm lượng NH3 và H2S thấp hoặc không có.
b. Thả giống và vận chuyển con giống
Cá giống mua ở những cơ sở uy tín, chọn cá nhanh nhẹn, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng, quá trình vận chuyển đảm bảo không làm cá sốc nhất là giảm hiện tượng ăn nhau. Có nhiều cách vận chuyển, có thể vận chuyển hở hay gây mê, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm cá xây xát, mất nhớt.
Trước khi thả phải thuần nhiệt, thuần mặn để cá thích nghi với điều kiện lồng nuôi, tốt nhất nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, nhiều oxy.
Mật độ thả cá thường từ 40-50 con/m3. Sau 2-3 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 150-200g, lúc này giảm mật độ còn 10-20 con/m3.
c. Thức ăn và cách cho ăn
Thức ăn công nghiệp cho cá chẽm đã xuất hiện nhiều trên thị trường. Bên cạnh đó có thể cho cá ăn thêm cá tạp băm nhỏ.
Cho ăn ngày 2 lần lúc sáng và chiều với 10% trọng lượng thân ở 2 tháng đầu. Sau đó chỉ cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều với 5% trọng lượng cá trong ao. Cá chẽm là loài cá có tập tính đi theo đàn, phải cho cá ăn cố định vị trí trong lồng.
d. Quản lý lồng nuôi và sức khỏe cá
Theo dõi để sửa chữa kịp thời hoặc thay lồng mới khi lồng hư hỏng hay bị phá hại bởi sinh vật khác. Ngoài quá trình bám sinh học, lưới lồng còn là nơi dễ bị kín và lắng đọng phù sa. Vấn đề này không thể tránh khỏi vì lưới có bề mặt thuận lợi cho các vi sinh vật như giun nhiều tơ, động vật chân tơ và nhuyễn thễ bám vào,... Những vật này có thể bám kín lưới làm giảm sự trao đổi nước, gây "sốc" cho cá do oxy hòa tan thấp đồng thời tích tụ những chất cặn bã. Chính vì thế sẽ ảnh hưởng đến tính ăn và sức tăng trưởng của cá.
Thường xuyên quan sát các hoạt động của cá để kịp khắc phục khi điều kiện môi trường thay đổi hoặc dịch bệnh xảy ra.
3. Nuôi cá chẽm trong ao
a. Chuẩn bị ao
Chọn vị trí thông thoáng, tốt nhất là vùng đất sét, không nhiễm phèn. Chi phí cao và sự chậm trễ trong việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm sẽ được giảm xuống đến mức tối thiểu nếu như có được vị trí giao thông thuận tiện. Gần nguồn nước tốt và có quanh năm.
Ao nuôi tốt nhất là hình chữ nhật, diện tích từ 2000m2 đến 2ha, sâu 1,2-1,5m. Có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Có độ dốc nghiêng về phía cống thoát. Bón vôi để trung hòa môi trường, lọc nước vào ao rồi diệt khuẩn khử trùng, tiêu diệt một số mầm bệnh bằng Iodine, BKC
Việc khí độc ở mức cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá sau khi thả nuôi, do đó để ổn định nồng độ khí độc trong ao, ổn định màu nước và tăng hàm lượng oxy hòa tan vào nước sử dụng ZEO 20-30kg hoặc Yucca 1L cho 1.000m3 nước
Tiến hành chọn, thả cá giống, cho ăn như hình thức nuôi trong lồng bè.
Mật độ: cá chẽm giống nuôi với kích cỡ 8-10cm thả vào ao nuôi thịt với mật độ 10.000-20.000con/ha trong ao nuôi đơn và 3.000-5.000con/ha cho ao nuôi ghép.
b. Quản lý ao và chăm sóc cá
Cá chẽm có thể nuôi đơn nhưng cần bổ sung thức ăn tự nhiên, và như vậy chi phí nuôi sẽ cao và lợi nhuận không nhiều. Vì thế, để đạt được lợi nhuận cao hơn, người ta nuôi ghép cá chẽm kết hợp với một số loài khác. Phương pháp này là sự kết hợp đơn giản giữa một loài làm thức ăn cho loài cá chính trong ao. Việc lựa chọn các loài cá làm thức ăn sẽ tuỳ thuộc vào khả năng sinh sản liên tục của chúng nhằm đạt được số lượng đủ để giữ ổn định sự phát triển của cá chẽm trong suốt thời gian nuôi. Đối tượng phụ này phải là loài sử dụng thức ăn tự nhiên trong ao và không cạnh tranh với loài chính về tính ăn. Đó có thể là cá rô phi hay cá diêu hồng.
Trong quá trình nuôi, do mầm bệnh có sẵn trong môi trường nước nên cá dễ bị các bệnh về đường tiêu hóa do thức ăn thải trực tiếp vào trong nước. Do đó, phải trộn vào thức ăn ở mỗi cử ăn 2-3ml/kg thức ăn men tiêu hóa để bảo vệ đường ruột, kích thích tiêu hóa và tăng cường chức năng miễn dịch cho cá.
Để duy trì nguồn thức ăn tự nhiên trong ao cũng là nguồn thức ăn chính cho cá rô phi, nên hạn chế thay nước. Mỗi tuần thay một lần và chỉ nên thay 1/3 lượng nước trong ao nuôi, không nên để nước trong ao thấp hơn 1m.
Khác với nuôi lồng nước chảy liên tục, nuôi ao chất lượng nước có thể kiểm soát được. Nên các yếu tố pH, nhiệt độ, độ mặn có sự thay đổi, đều có thể giải quyết nếu theo dõi và quan sát thường xuyên. Nhất là khi có sự ảnh hưởng của khí độc làm các hoạt động của cá yếu ớt, tăng nguy cơ mắc bệnh nên sử dụng Yucca Zeo định kỳ 5-7 ngày/lần với liều 1kg/5000-6000m3 nước ao nuôi để ngăn ngừa khí độc phát sinh trong ao.
Cũng như các loài cá khác, cá chẽm cũng mắc các bệnh do vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng trong nước tấn công. Để tiêu diệt những mầm bệnh này, đồng thời trị một số hiện tượng trên cá chẽm như lở loét, tuột nhớt, xuất huyết hậu môn, sử dụng Potassium hexametaphosphate, Cloramin T định kỳ 1kg/5000m3 nước.
Gia cố kịp thời bờ ao, hệ thống cấp thoát nước khi có trục trặc xảy ra. Cá chẽm dễ ăn nhau khi thiếu thức ăn, vì vậy nên phân cỡ thường xuyên, cho ăn đủ chất và đủ lượng.
4. Thu hoạch
Thông thường thời gian thu hoạch cá chẽm phụ thuộc vào cỡ cá mà thị trường cần. Cao nhất là 1 năm. Trước khi thu hoạch, phải ngưng cho ăn 1-2 ngày.
Vì là loài cá dữ nên khi thu hoạch phải thật cẩn thận, dùng lưới có kích thước mắc lưới thật nhỏ hay dùng vợt vớt. Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm cá xây xát, lở loét, làm giảm chất lượng và giá cả bán ra thị trường.
Tham khảo thêm video ký thuât nuôi cá chẽm trong ao đất
Tham khảo thêm video nuôi cá chẽm trên lồng nổi
Nguồn: Tổng hợp
Xem thêm